Vĩnh Chánh hướng đến sản xuất và liên kết tiêu thụ rau màu

13/07/2021 - 05:36

Những năm gần đây, xã Vĩnh Chánh (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác, mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tập kết nông sản chờ thương lái thu mua

Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với đặc điểm sinh trưởng, phát triển của các loại rau màu, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tây Bình (xã Vĩnh Chánh) đã vận động các thành viên chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu. Điển hình: cây bí đỏ thu trái non và dưa leo, 2 loại cây trồng này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cho nông dân.

Thử nghiệm 1.500m2 đất trồng lúa chuyển sang trồng bí đỏ thu trái non, anh Trịnh Hoàng Sơn (nông dân ngụ ấp Tây Bình, xã Vĩnh Chánh) nhận thấy: “Với sự tư vấn kỹ thuật và giống cây trồng từ HTX nông nghiệp Tây Bình, tôi chọn lựa giống bí non Hera 121, cây phát triển nhanh, thời gian sinh trưởng ngắn, thu hoạch sớm, chất lượng trái tốt, được thị trường ưa chuộng, ăn cả vỏ và hạt, sản lượng trung bình 3 tấn/công/vụ. Với 1,5 công đất, nếu trúng vụ, tôi ước thu lợi nhuận 30 triệu đồng/vụ”.

Cùng tâm lý phấn khởi khi tham gia HTX như anh Sơn, anh Phạm Thành Trung (nông dân ấp Tây Bình) cho biết: “Tôi có 2 công ruộng lâu nay trồng lúa, lợi nhuận mang lại không đáng kể; được HTX giới thiệu giống dưa leo mới cho năng suất tốt, giá bán tương đối cao, tôi mừng lắm. Giống dưa leo Vivi 07, gieo giống ít, cây sinh trưởng khỏe, ít bị sâu bệnh phá hoại, ít dùng đến thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí đầu tư thấp. Đặc biệt, dưa leo cho trái sai, hơn 1 tháng có thể thu hoạch, khoảng 2 tháng 10 ngày là dứt điểm, sản lượng trái đạt 4-4,5 tấn/công/vụ, sau khi trừ các khoản chi phí, tôi thu lợi nhuận từ 18-20 triệu đồng”.

HTX nông nghiệp Tây Bình không chỉ có nhiệm vụ kết nối người nông dân lại với nhau, mà còn hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho nông dân và quan trọng hơn là tìm đầu ra ổn định cho nông sản bằng việc kết nối với thương lái thu mua nông sản tại vườn theo giá thị trường. Chỉ tính riêng tổng diện tích 30 công trồng bí, mỗi ngày HTX thu hoạch 2-3 tấn bí non, bán với giá từ 6.000-8.000 đồng/kg, từ 200-300kg bông bí, với giá 18.000 đồng/kg, có nguồn thu ổn định nên bà con nông dân rất phấn khởi.

Chị Ngô Thị Mỹ Linh (thương lái thu mua rau màu tại xã Vĩnh Chánh) cho biết: “Tôi đến ruộng thu mua cho bà con nông dân rồi giao hàng trực tiếp vựa hàng hóa lớn. Nơi đây sẽ phân phối lại cho các tiểu thương để bán lẻ ở chợ. Tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi, tranh thủ thời gian để thu mua và vận chuyên nông sản cho nông dân nhanh chóng, đảm bảo nông sản tươi ngon, bán được giá cao trên thị trường. Từ đó, giúp nông dân có lợi nhuận ổn định để đầu tư vào vụ mùa sản xuất kế tiếp”.

Đánh giá về hiệu quả của HTX nông nghiệp Tây Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chánh Nguyễn Văn Tâm cho biết: “Trồng rau màu trước hết là giải quyết được nhiều lao động nông thôn so với trồng lúa. Bởi, trồng màu phải tiêu tốn công lao động nhiều, bình quân mỗi hộ dân trồng rau màu thuê từ 5-7 lao động từ khâu bỏ hạt, vô phân đến thu hoạch. Đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao nguồn thu nhập cho người nông dân.

Thời gian tới, xã Vĩnh Chánh tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường liên kết với các đơn vị đầu mối để bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất bền vững. Sắp tới, chúng tôi sẽ tập huấn và khuyến khích nông dân tham gia vào HTX sản xuất rau sạch nhằm cung ứng ra thị trường nông sản chất lượng, an toàn, mang tính bền vững và tăng thu nhập cho nông dân”.

TRÚC PHA