VnSAT góp phần tái cơ cấu nông nghiệp An Giang

06/04/2018 - 06:53

 - Với lợi thế được tham gia dự án (DA) “Chuyển đổi nông nghiệp (NN) bền vững”, An Giang có thêm điều kiện thực hiện tái cơ cấu ngành NN, đổi mới phương thức canh tác bền vững, phát triển chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa, gạo. Qua đó, nâng cao ý thức canh tác thân thiện với môi trường và tăng hiệu quả sản xuất (SX) cho nông dân (ND).

Hàng chục ngàn hộ dân hưởng lợi

Trước thực tế SXNN ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ Bộ NN và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hình thành DA “Chuyển đổi NN bền vững” (VnSAT), phát triển chuỗi giá trị cho 2 ngành hàng lúa, gạo và cà-phê ở ĐBSCL (8 tỉnh được hỗ trợ, trong đó có An Giang) và Tây Nguyên (5 tỉnh).

Mục tiêu của DA là áp dụng công nghệ tiên tiến trong SX lúa cho 200.000ha đất (trong đó, An Giang 32.000ha), xây dựng được các chuỗi giá trị bền vững, liên kết giữa các tổ chức ND với DN, tăng lợi nhuận bình quân của ND trồng lúa 30%, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường thông qua giảm lượng nước tưới, phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác.

Khuyến khích ND cấy lúa để giảm chi phí, tăng hiệu quả SX

Tại An Giang, DA VnSAT triển khai trên địa bàn 4 địa phương là: Châu Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên và An Phú, gồm 27 xã tham gia với 21.363 hộ ND, diện tích lúa 32.182ha. ND được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa bền vững “3 giảm, 3 tăng” (3G3T), “1 phải, 5 giảm” (1P5G). Có khoảng 71 điểm trình diễn 3G3T, 1P5G được triển khai ở 4 huyện DA, giúp ND chứng kiến thực tế kết quả áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới.

Ngoài ra, DA hỗ trợ luân canh, tận dụng phụ phẩm trong NN, xây dựng mô hình “Thực hành NN tốt” (GAP) như: VietGAP, GlobalGAP… Các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác được hỗ trợ 80% kinh phí phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ SX (đối ứng của bên hưởng lợi 20%), hỗ trợ 30% trang thiết bị (đối ứng 70%).

Theo thỏa thuận, chi phí đầu tư với định mức tối đa cho 1 tổ chức ND có quy mô 500 hộ hoặc 500ha là 400.000USD với điều kiện tổ chức ND phải đạt 50% số hộ hoặc 50% diện tích áp dụng 3G3T, được sự đồng thuận của cộng đồng về các hạng mục đầu tư.

Phù hợp thực tế

Sở NN&PTNT cho biết, sau 2 năm thực hiện, DA VnSAT đạt được nhiều kết quả tích cực: Đào tạo được 140 giảng viên nguồn, tập huấn 10.476 ND, tiến hành xây dựng 21 điểm trình diễn trên diện tích 33ha và tập huấn cho 128 hộ dân thực hiện nhân giống xác nhận cho các xã trong vùng DA. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức của ND về lợi ích của việc áp dụng 3G3T, 1P5G, duy trì và nâng cấp mạng lưới nhân giống lúa nhằm cung cấp giống lúa xác nhận phục vụ vùng thực hiện DA.

Trong quá trình triển khai, DA tổ chức giám sát thường xuyên và đánh giá nội bộ, đánh giá độc lập từng vụ. Kết quả các đợt đánh giá trong năm 2017 đều khả quan, các tổ chức ND trên địa bàn DA đều đạt trên 60% hộ áp dụng 3G3T. Ban quản lý DA (BQLDA) VnSAT tỉnh đã thực hiện hoàn thành các gói thầu trang thiết bị văn phòng, trang bị máy tính, máy chiếu cho các đơn vị hợp đồng trách nhiệm kỹ thuật là: Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (triển khai đến trạm huyện) và gói thầu trang thiết bị phòng thí nghiệm cho Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi.

Năm 2017, BQLDA tỉnh đã đề xuất và được BQLDA Trung ương, WB chấp thuận 5 tiểu DA hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho 5 tổ chức ND với vốn đầu tư từ nguồn ODA 34,44 tỷ đồng, gồm: nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, cống, trạm bơm… giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả SX lúa. Các yêu cầu của WB về chính sách an toàn xã hội, môi trường đều được đáp ứng đầy đủ.

Năm 2018, BQLDA tỉnh sẽ tổ chức 255 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật 1P5G cho ND trong vùng thực hiện DA và xây dựng 27 điểm trình diễn 3G3T, 1P5G. DA sẽ phối hợp địa phương hỗ trợ mở rộng các mô hình liên kết đã xây dựng được với các DN như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Gentraco, Công ty Tấn Vương, Công ty Angimex…

Đồng thời, phối hợp xây dựng các mô hình GAP để hỗ trợ các công ty mở rộng vùng nguyên liệu SX theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế, nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Năm 2018, DA tổ chức mua sắm 2 máy cấy để thúc đẩy hỗ trợ các TCND triển khai những điểm trình diễn cấy máy với ưu điểm là giảm lượng giống, phân bón, giảm thất thoát do ốc cắn, lúa đổ ngã do mưa giông…

Qua đó, khuyến khích ND đầu tư và áp dụng cơ giới hóa khâu cấy lúa trong SX lúa giống và cả lúa hàng hóa để giảm chi phí, rủi ro, tăng hiệu quả SX trong điều kiện biến đổi khí hậu và thiếu nhân công ở nông thôn hiện nay.

ĐOÀN NGỌC PHẢ - CHÂU TRẦN SƠN ĐIỀN