Vui xuân không quên nhiệm vụ

04/02/2021 - 06:11

 - Tết đến, xuân sang cũng là lúc bước vào cao điểm mùa khô, thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Do vậy, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang yêu cầu các đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo vui xuân nhưng an toàn sản xuất.

Mô hình trồng hoa sinh thái trên đồng ruộng

Phân rõ trách nhiệm

Trong kế hoạch đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm yêu cầu các đơn vị: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản phải xây dựng kế hoạch thực hiện và báo cáo tình hình thực hiện các công việc thuộc chức năng đơn vị mình phụ trách trước, trong và sau Tết. Trong đó, phải cập nhật tình hình dịch bệnh trên cây trồng (chăm sóc lúa và hoa màu, phòng trừ sâu bệnh…).

Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản, tập trung kiểm soát chặt chẽ dịch cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi, bệnh lở mồm long móng trên gia súc, dịch bệnh thuỷ sản… không để bùng phát thành dịch. Trong công tác kiểm dịch thú y, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, mang mầm bệnh, giết mổ trái phép trên địa bàn…

Các đơn vị chức năng được giao tham mưu lãnh đạo Sở NN&PTNT giải pháp ổn định giá cả, cung - cầu thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đồng thời, thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Đối với công tác kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện kiểm tra trước Tết (ngày 5-2), sau Tết (ngày 17-2).

Đối với Chi cục Kiểm lâm, được yêu cầu chủ động ngay từ đầu mùa khô năm 2020-2021, thực hiện những biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và chống chặt phá rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021. Thời điểm trước Tết, tập trung triển khai phương án bảo vệ và PCCCR cấp xã, cấp huyện; triển khai các phương tiện, dụng cụ đến các chốt đúng theo phương án, đảm bảo sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra một số điểm bố trí máy móc, phương tiện, dụng cụ và con người tại hiện trường trọng điểm, xây dựng, công bố lịch trực chỉ huy; thăm và làm việc với một số tổ chức về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Thời điểm trong Tết, tổ chức kiểm tra đột xuất cơ sở trực chỉ huy PCCCR. Sau Tết, tổ chức nhiều đợt kiểm tra theo từng chuyên đề: phòng cháy, chặt phá, săn bắt động vật rừng, giải pháp PCCCR và bảo vệ hệ sinh thái rừng, lấn chiếm đất rừng.

Hướng về cơ sở

Đối với Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ và đặc dụng, Sở NN&PTNT yêu cầu triển khai thực hiện các biện pháp PCCCR và chống chặt phá rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021. Trong đó, triển khai xây dựng các đường băng cản lửa; mua sắm, bố trí các phương tiện, dụng cụ đến các chốt theo phương án đề ra; bố trí lực lượng tuần tra, trực gác bảo vệ rừng, PCCCR; xây dựng, triển khai lịch trực PCCCR; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra các khu vực trong điểm cháy, chặt phá và kiểm tra việc triển khai thực hiện phương án bảo vệ rừng, PCCCR năm 2021 của các trạm quản lý rừng.

BQL tổ chức kiểm tra công tác trực Tết và trực PCCCR của các trạm quản lý rừng; kiểm tra thực địa vài khu vực trọng điểm, đặc biệt là các điểm có đông khách du lịch… Đối với các thuê rừng kinh doanh du lịch sinh thái, BQL cần nhắc nhở để doanh nghiệp dọn vệ sinh toàn khu vực đã thuê; cắt dọn cỏ, vệ sinh các tuyến đường tham quan và trang trí, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp để phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Đối với Chi cục Thủy lợi, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến tận người dân vùng sâu, vùng xa không chủ quan lơ là trong việc đề phòng giông, lốc, sét và mưa trái mùa, nhất là trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Các địa phương tăng cường công tác vận động, khuyến cáo người dân di dời nhà ở ra khỏi khu vực cảnh báo sạt lở, phối hợp với các ngành chức năng cắm biển báo, khuyến cáo người dân không lui tới, sinh hoạt trong phạm vi nguy hiểm, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản trong các ngày nghỉ Tết do sạt lở gây ra.

Chi cục Thủy lợi cũng được giao theo dõi, nắm chắc tình hình khí tượng, thủy văn, thông tin kịp thời đến các địa phương chủ động các phương án đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân một cách an toàn. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động nhân dân về tình hình hạn, mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh đến tận vùng sâu, vùng xa để có kế hoạch sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả.

Đồng thời, tuyên truyền người dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật bằng biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn. Chi cục đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, năng lực phục vụ của hệ thống công trình thủy lợi (cống, đê, đập, trạm bơm, hồ chứa...), xác định các công trình bức xúc, tham mưu lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang có hướng chỉ đạo kịp thời; xây dựng kế hoạch kiểm tra 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.

NGÔ CHUẨN

Để chủ động phòng, chống các đối tượng gây hại trên cây trồng, vật nuôi vụ đông xuân 2020-2021 và trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm yêu cầu lãnh đạo các phòng và các đơn vị trực thuộc chỉ đạo công tác giám sát tình hình hoạt động theo chuyên ngành phụ trách. Sở NN&PTNT thành lập 3 đoàn công tác để tiến hành thăm đồng, khảo sát thực địa trước và sau Tết.