Toàn huyện hiện có 18 HTX đang hoạt động theo Luật HTX 2012, với 2.427 thành viên, tổng vốn điều lệ 20,8 tỷ đồng. Trong đó, một số HTX có nhiều dịch vụ là: Phú Thạnh (12 dịch vụ), Chợ Vàm (7 dịch vụ), Phú An (6 dịch vụ), còn lại có từ 1 - 3 dịch vụ. Năm 2018, các HTX đạt doanh thu bình quân trên 3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân sau trích quỹ là 245 triệu đồng/HTX/năm. Ba HTX gồm: Phú Thạnh, Chợ Vàm và Phú An được tỉnh chọn thực hiện thí điểm theo Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020”. Không chỉ hoạt động hiệu quả, thực hiện nhiều dịch vụ, các HTX này còn có nhiều mô hình riêng tích cực. Điển hình như HTX nông nghiệp Phú An thực hiện mô hình điểm gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2016-2020. Kết quả năm 2018 đạt 12/22 chỉ tiêu theo kế hoạch. Trong đó, 3/6 chỉ tiêu theo Luật HTX năm 2012, đạt kế hoạch năm và tăng nhiều so năm 2015; diện tích ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp 1.200ha (đạt 120% so kế hoạch), ứng dụng kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm” 1.420ha (đạt 100% kế hoạch). Trong khi đó, HTX nông nghiệp Chợ Vàm thực hiện mô hình liên kết đầu vào (làm đất) từ vụ hè thu năm 2016 với diện tích 65,2ha, đến nay mở rộng lên 80ha, góp phần giảm giá dịch vụ từ 100.000 - 150.000 đồng/ha, giúp địa phương xuống giống đồng loạt, đúng thời vụ. Còn HTX nông nghiệp Phú Thạnh thuê 10ha đất sản xuất nếp thơm, năm 2016 lợi nhuận 102 triệu đồng, đến năm 2018 lợi nhuận 120 triệu đồng. Ngoài hiệu quả kinh tế còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Hội thảo xác định mô hình kinh doanh hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Phú Tân
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân Nguyễn Thanh Tuyến, kết quả hoạt động của các HTX trên địa bàn huyện có nhiều nét nổi bật: quản lý nhà nước các cấp có sự chuyển biến rõ nét hơn, từng bước xác lập vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, việc liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm được chú trọng. Đặc biệt, các HTX đang hình thành phương thức sản xuất mới: sản xuất có liên kết, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình đàm phán, liên kết kinh doanh… Một số HTX đã nỗ lực mở rộng dịch vụ, phát triển thành viên, duy trì hiệu quả hoạt động, nhân sự được tập trung củng cố, điều chỉnh đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành và xu thế liên kết. Tuy nhiên, vai trò quản lý ở một số HTX chưa sâu sát và kịp thời, chậm mở rộng dịch vụ (phần lớn chỉ thực hiện dịch vụ tưới tiêu), trong khi Ban kiểm soát còn mờ nhạt, chưa phát huy vai trò của mình. Một số HTX còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất-kinh doanh, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với thành viên. Bên cạnh đó, còn số ít HTX hoạt động hạn chế, lợi ích mang lại cho thành viên chưa cao nên nông dân chưa hăng hái tham gia, gắn bó với HTX, chưa coi HTX là “nhà của mình”. Đơn cử HTX nông nghiệp Phú Thạnh - một trong những đơn vị hoạt động mạnh và hiệu quả nhất trên địa bàn huyện hiện nay, cũng gặp phải các khó khăn chung kể trên. Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thạnh Trần Văn Lô Ba cho biết, việc vận động nông dân tham gia vào HTX hiện nay chưa đạt, tỷ lệ nông dân có đất tham gia chỉ mới 614/1.651ha, tương đương 37,19%, trong khi nghị quyết đề ra là 40%. Việc liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chưa đa dạng, chưa nhiều, diện tích còn thấp. Theo ông Lô Ba, thực trạng này do đa số người dân chưa nhận thức đúng về vị trí, bản chất, vai trò của HTX trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa, nếp khó khăn do doanh nghiệp và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung, thiếu tin tưởng nhau khi cùng tổ chức thực hiện. Trình độ của cán bộ quản lý trong HTX chưa đồng đều, kỹ năng tuyên truyền, vận động còn thấp nên chưa thu hút người dân tham gia…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các HTX đến năm 2020, huyện Phú Tân đã đúc kết các bài học kinh nghiệm từ các ngành cấp tỉnh, Liên minh HTX, các công ty, HTX huyện bạn. Thời gian tới, các HTX sẽ đẩy mạnh phát triển thành viên, ưu tiên nông dân có đất trong vùng bằng cách chia lãi theo mức độ sử dụng dịch vụ, thí điểm mô hình Nhật Bản “ai sử dụng dịch vụ được biểu quyết”, giảm giá dịch vụ cho thành viên và mở rộng các pháp nhân tổ chức đoàn thể tham gia thành viên và phải tham gia kiểm toán bắt buộc. Đối với các HTX có thế mạnh, huyện yêu cầu mở rộng dịch vụ sản xuất giống nhằm quảng bá và phát triển thương hiệu nếp Phú Tân. Mỗi HTX sẽ xác định khách hàng chiến lược và không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ, đồng thời tăng diện tích liên kết, chủ động mời doanh nghiệp liên kết với các HTX thuộc xã nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Huyện sẽ chọn 1-2 HTX tiên phong ứng dụng nông nghiệp thông minh trong sản xuất nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo đơn hàng doanh nghiệp và chuyển đổi cây ăn trái từ đất vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả gắn với doanh nghiệp tiêu thụ.
MỸ HẠNH