Xây dựng trụ cột nông nghiệp bền vững

05/07/2024 - 07:06

 - Với lợi thế cây trồng được phát huy, đàn vật nuôi phát triển ổn định, ngành hàng cá tra từng bước phục hồi, nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt, thể hiện vai trò là trụ cột quan trọng của kinh tế An Giang. Dự báo từ nay đến cuối năm 2024, giá bán một số mặt hàng nông sản tiếp tục duy trì ở mức cao, xuất khẩu nông sản có nhiều bước tiến mới, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của ngành nông nghiệp.

Vượt khó tăng trưởng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh trong 6 tháng đầu năm không thuận lợi, chủ yếu do nắng nóng kéo dài, sâu bệnh tăng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; tình hình cháy rừng diễn biến phức tạp...

Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, ngành nông nghiệp cùng các địa phương hỗ trợ nông dân thu hoạch ăn chắc vụ đông xuân, đang chuẩn bị thu hoạch vụ hè thu 2024; kiểm soát dịch bệnh tốt để thúc đẩy phát triển đàn chăn nuôi; xuất khẩu thủy sản khởi sắc, diện tích nuôi trồng được mở rộng... Từ đó, đưa tốc độ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm tăng 2,84%.

Đối với cây hàng năm, toàn tỉnh gieo trồng hơn 249.000ha lúa và hoa màu, đạt 100,08% kế hoạch (lúa gần 231.300ha, hoa màu gần 17.800ha). Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, dù thời tiết, sâu bệnh ảnh hưởng năng suất nhưng sản lượng lúa vụ đông xuân vẫn đạt gần 1,7 triệu tấn, vụ mùa gần 13.600 tấn; dự kiến vụ hè thu đạt 1,3 triệu tấn, cộng với khoảng 1 triệu tấn vụ thu đông tới, tổng sản lượng lúa năm 2024 của An Giang đạt khoảng 4 triệu tấn. Với tình hình giá lúa duy trì cao và xuất khẩu gạo thuận lợi, ngành hàng lúa gạo sẽ có đóng góp tích cực vào tăng trưởng của tỉnh. Ghi nhận thời gian qua, giá các loại lúa tươi cao hơn cùng kỳ từ 1.200 - 1.700 đồng/kg.

Với cây ăn trái, sản lượng thu hoạch trong 6 tháng đạt gần 165.000 tấn, tăng 11.200 tấn so cùng kỳ, nhiều nhất vẫn là xoài 98.400 tấn, mít 23.000 tấn, cây có múi (cam, chanh, quýt, bưởi) 11.830 tấn, chuối 5.100 tấn, sầu riêng 2.700 tấn... Giá bán một số loại xoài tuy chưa cao nhưng tăng nhẹ so cùng kỳ.

Ngành chăn nuôi ghi nhận dấu hiệu tích cực, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu thị trường cao, doanh nghiệp (DN) mở rộng quy mô đàn. Ước sản phẩm chăn nuôi xuất chuồng 6 tháng trên địa bàn tỉnh đạt 26.400 tấn, tăng 12,98% so cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt, với sự tham gia tích cực của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, nhiều DN An Giang đã mở rộng thực hiện hợp đồng nuôi gia công cho Công ty C.P, giúp tăng quy mô đàn của các DN. Ước đàn heo toàn tỉnh có 153.400 con, tăng 13.400 con, sản lượng thịt heo 6 tháng đạt 13.300 tấn, tăng 21,83%; đàn gia cầm hiện có gần 7,6 triệu con, tăng 290.000 con, sản lượng thịt hơi khoảng 8.700 tấn, tăng 8,63%.

Thủy sản phục hồi

Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, bước sang tháng 4/2024, tình hình xuất khẩu thủy sản khởi sắc, nên giá bán cá tra nguyên liệu tăng nhẹ so những tháng đầu năm; tình hình xuất khẩu thủy sản sang Campuchia theo đường tiểu ngạch tăng nên sản lượng thu hoạch các loại cá khác cũng tăng so cùng kỳ. Ước tổng sản lượng thủy sản trong 6 tháng đạt 358.300 tấn, tăng 5,4% (tăng 18.400 tấn) so cùng kỳ.

Thời gian gân đây, giá bán cá tra nguyên liệu được thu mua từ 27.000 - 30.000 đồng/kg. Với mức giá bán này, hộ nuôi cá tra cơ bản có lợi nhuận, riêng các DN có chu trình sản xuất khép kín đạt mức lợi nhuận cao hơn (diện tích nuôi cá tra hiện nay hầu hết thuộc các vùng nuôi của DN). Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ các loại cá và thủy sản khác luôn ở mức cao, làm cho quy mô nuôi và thu hoạch tăng so cùng kỳ. Ước tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng trong 6 tháng đầu năm đạt 357.000 tấn, tăng 5,42% (tăng 18.400 tấn) so cùng kỳ.

Trong đó, sản lượng cá tra thu hoạch hơn 324.800 tấn, tăng 6,33% (tăng 19.400 tấn), chủ yếu tăng sản lượng thu hoạch thuộc vùng nuôi của DN (chiếm 63,73% tổng sản lượng cá tra); tổng sản lượng thu hoạch các loại cá khác hơn 32.200 tấn, giảm 3%; sản lượng các loại thủy sản khác thu hoạch khoảng 165 tấn, tăng 9,56% (tăng 14 tấn).

Do nguồn lợi thủy sản tự nhiên từ thượng nguồn Campuchia đổ về có xu hướng giảm, nên sản lượng thủy sản khai thác nội địa trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt gần 1.100 tấn, giảm 1,2% so cùng kỳ, mặc dù hàng năm các ngành chức năng đều tổ chức nhiều đợt thả cá ra sông nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng và chống chặt phá rừng; kiểm tra các khu vực trọng điểm có nguy cơ chặt phá rừng và các cơ sở mua bán, chế biến, kinh doanh cưa xẻ gỗ trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Từ đầu năm đến nay, đã thực hiện 257 đợt tuần tra, kiểm tra, với 1.195 người tham gia. Ngoài ra, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện nạo vét kênh tại các khu rừng tràm trong tỉnh, phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm ứng phó khô hạn.

Ngành kiểm lâm đã theo dõi, kiểm tra nguồn gốc động vật rừng để xác nhận cấp 68 giấy phép vận chuyển động vật hoang dã, gồm: 8 giấy phép vận chuyển cá sấu nước ngọt và 60 giấy phép vận chuyển động vật hoang dã khác.

Đối với công tác chuẩn bị cây giống lâm nghiêp, đến nay đã gieo được 5.120kg hạt; cấy vào bầu 45.000 cây, trong khi số lượng cây tồn tại vườn ươm đang chăm sóc là 532.628 cây. Ngành lâm nghiệp đã triển khai trồng rừng tập trung được 30ha, chủ yếu là rừng sản xuất trồng mới...

HOÀNG XUÂN