Xóm lao động nghèo đã thoát nghèo

12/03/2021 - 06:26

 - Thăm lại tổ 6, ấp Trung Bình Nhì (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn, An Giang), niềm vui giờ đã hiện rõ trên gương mặt của bà con. Nhiều năm trước, đây là ấp có nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo của địa phương. Những căn nhà Đại đoàn kết khang trang, nhiều mô hình làm ăn hiệu quả đã giúp bà con thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Khoe với chúng tôi căn nhà Đại đoàn kết được cất mấy năm trước, chú Khưu Văn Đan (sinh năm 1956, ngụ ấp Trung Bình Nhì) cho biết, được địa phương giới thiệu đơn vị tài trợ hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình đối ứng thêm 20 triệu đồng nên vợ chồng chú mới có “mái ấm” như bây giờ.

Chú Đan tâm sự: “Vợ chồng tôi không ruộng đất, không nghề nghiệp. Cuộc sống trước đây chỉ trông chờ vào đồng tiền ít ỏi từ việc đi làm thuê, mướn. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống gia đình chẳng bao giờ dư dả. Chúng tôi có 3 người con, tất cả đã lập gia đình, mưu sinh xứ người. Chúng chẳng khấm khá hơn cha mẹ là bao, nên chúng tôi không mong gì vào tiền của các con. Khoảng 5 năm trước, gia đình tôi được địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng để nuôi bò vỗ béo.

Sau hơn 1 năm nuôi, xuất chuồng bán được 48 triệu đồng và trả được số vốn ban đầu. Đồng lời, gia đình tôi trang trải cuộc sống và tích góp dành dụm. Sau đó, gia đình tôi tiếp tục tái đàn và quyết định mượn tiếp nguồn vốn nuôi bò của địa phương”. Qua nhiều đợt vỗ béo bò thành công, xuất bán, tích lũy thêm cho gia đình, cuộc sống của vợ chồng chú đã ổn định hơn trước rất nhiều.

“Hiện, tôi đang nuôi 2 con bò từ nguồn vốn mượn địa phương. Đến nay được 1 năm, nhưng tôi chưa bán vì muốn dưỡng cho bò lớn hơn. Tôi định vài tháng nữa mới xuất bán, thu được khoảng 60 triệu đồng. Tôi vẫn sẽ bám trụ với nghề nuôi bò, vì nó là nghề mang lại sinh kế cho gia đình” - chú Đan bộc bạch.

Cuộc sống người dân ổn định hơn nhờ được cho mượn vốn nuôi bò

Cạnh nhà chú Đan là 1 căn nhà khá khang trang, được bày trí ngăn nắp, gọn gàng với đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho một gia đình. Đó là nhà của anh Khưu Văn Út (sinh năm 1974). Trước đây, gia đình anh Út thuộc hộ nghèo của địa phương nhưng từ ngày được cho mượn vốn nuôi bò vỗ béo đến nay, anh đã vươn lên thoát nghèo bằng chính nghị lực và sự chăm chỉ của người trụ cột trong gia đình.

Anh Út cho biết, năm 2014, anh được địa phương xem xét cho mượn nguồn vốn được 15 triệu đồng để nuôi bò. Anh Út mua 1 cặp bò giá 14,2 triệu đồng. Số tiền còn dư, anh dùng xây cất chuồng cho bò. Sau hơn 1 năm chịu khó chăm sóc, cắt cỏ tươi cho bò ăn, ngày xuất chuồng, anh thu về lợi nhuận gấp đôi. Lấy nguồn vốn đó tiếp tục tái đàn, tăng số lượng bò nuôi lên 4 con. Cứ thế, sau 2 lần tái đàn, anh Út đã có dư một số vốn và hoàn hết nguồn vốn ban đầu cho địa phương. Với quyết tâm “lấy công làm lời”, hàng ngày anh Út chịu khó đi cắt cỏ ở những cánh đồng xa, vừa tiết kiệm chi phí, vừa vỗ béo bò tăng trưởng tốt.

Anh Út phấn khởi chỉ tay về phía căn nhà của mình, nói với vẻ tự hào: “Tôi xây dựng căn nhà khoảng 5 năm trước với số tiền 100 triệu đồng. Khi đó, vợ chồng tôi cứ nghĩ mình đang mơ, vì nếu không nhờ số vốn được địa phương cho mượn nuôi bò ban đầu, làm gì chúng tôi có được cuộc sống ổn định như hôm nay.

Cũng như bao người trong xóm này, trước kia tôi sống bằng việc làm mướn, cơ cực quanh năm mà vẫn không thấy dư. Lại thêm những lúc con ốm đau, cuộc sống càng khốn khó. Từ khi nuôi bò, tôi quyết tâm phải thoát nghèo bằng mọi giá. Và hôm nay, gia đình tôi đã thật sự thoát nghèo. Hiện, tôi đang nuôi 5 con bò. Trong đó có 2 con vài tháng nữa là xuất bán. Tôi đã xác định gắn bó với nghề nuôi bò vì nhờ nó mà mình vươn lên thoát nghèo!”.

Chủ tịch UBMTTQVN xã Vĩnh Trạch Huỳnh Công Tấn cho biết: “Tổ 6 của ấp Trung Bình Nhì có 6 hộ gia đình. Nhiều năm trước, đây là xóm nghèo của địa phương vì tất cả không có ruộng đất, sống bằng việc làm thuê. Năm 2012, nhận thấy giá trị kinh tế bò vỗ béo mang lại, địa phương đã mạnh dạn vận động nhà hảo tâm cho mượn nguồn vốn để giúp người nghèo, không ruộng đất, cuộc sống bấp bênh có điều kiện làm ăn.

Lần đầu tiên, chúng tôi vận động được 30 triệu đồng, chia cho 2 hộ mượn (15 triệu đồng/hộ). Đợt xuất chuồng đầu tiên, hộ nuôi thu về lợi nhuận khá cao. Có hộ còn hoàn lại vốn cho nhà hảo tâm ngay. Nhờ uy tín và hiệu quả rõ rệt của mô hình, chúng tôi nhận được sự quan tâm của nhiều nhà hảo tâm, từ đó, nguồn vốn tăng lên nhanh chóng”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN