Bốc xếp gạo xuất khẩu. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn. So với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn.
Giới chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi những bất ổn về kinh tế, chính trị làm nhu cầu lương thực tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt cơ hội trong việc tiếp cận và mở rộng các thị trường mới.
Nếu duy trì sản lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn/tháng trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu mặt hàng gạo năm nay có thể đạt từ 6,8 - 7 triệu tấn.
Về thị trường, ông Lê Thanh Hòa cho rằng, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới Trung Quốc, bởi đây vốn là thị trường lớn và tiềm năng của nông sản Việt. Tuy nhiên, quốc gia đông nhất thế giới đang có nhiều thay đổi lớn về các yêu cầu nhập khẩu từ kiểm dịch thực vật, quy định đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng…
Hiện có 22 doanh nghiệp Việt Nam đang được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc. Việt Nam đang kiến nghị với Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp.
Về vấn đề kiểm dịch, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ông La Vân Phi, Chủ tịch Công ty Đại Dương Seed cho biết, yêu cầu kiểm dịch nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng sang Trung Quốc ngày càng khắt khe và liên tục bổ sung.
Doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Việt Nam cần liên tục cập nhật yêu cầu kiểm dịch, bao bì, nhãn mác,… từ hải quan Trung Quốc và các cơ quan chức năng để tránh tình trạng nông sản lên tới cửa khẩu lại phải quay đầu vì không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.
Liên quan đến phân khúc sản phẩm xuất khẩu, ông La Vân Phi cho rằng, tuy các sản phẩm cao cấp đang có rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng sản phẩm lúa gạo phổ thông vẫn chiếm nhu cầu chính trong thị phần tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu để phát huy thế mạnh từng nhóm sản phẩm theo từng phân khúc khác nhau để chinh phục thị trường Trung Quốc.
Với góc độ địa phương, ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho rằng, câu chuyện liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo là khó nhất trong sản xuất lúa hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tại An Giang, hiện nay đang có các đơn vị thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo tốt như: Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long…
Để chuỗi liên kết đạt kết quả, sau mỗi mùa vụ, ngành nông nghiệp An Giang đều mời các bên liên quan ngồi lại với nhau, cùng kết nối, lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Ngành yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia cần thực hiện đúng những gì đã cam kết.
Ngoài ra, trong sản xuất cũng cần tận dụng tốt các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để tăng thêm thu nhập, gia tăng chuỗi giá trị bền vững.
Bên cạnh Trung Quốc, EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn. Để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật… của thị trường nhập khẩu, ông Hòa khuyến nghị.
Bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng, ngành lúa gạo Việt Nam đang đi theo hướng sạch, bền vững. Doanh nghiệp, nông dân đang có xu hướng tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, phế phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, cám, phân hữu cơ... Qua đó, góp phần hiện thực hóa cam kết cắt giảm khí thải nhà kính, phấn đấu đến năm 2030 sẽ giảm 50% phát thải khí mê tan.
Theo BÍCH HỒNG (TTXVN)