Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

28/06/2024 - 14:52

 - Thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự gắn kết giữa sản xuất với thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Diện tích tự nhiên rộng, vị trí địa lý thuận lợi, dân số đông, lực lượng lao động dồi dào, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, An Giang có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nông thôn, thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, năm 2023, đã có 7 dự án do tỉnh mời gọi đầu tư, 12 dự án do cấp huyện mời gọi. 

Tiêu biểu như: Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao tỉnh An Giang (mở rộng Khu Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh); dự án Trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại tỉnh; dự án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây ăn trái; dự án chuỗi liên kết sản xuất, nhà máy chế biến bột gạo/nếp, chế biến rau, củ, quả; dự án khu phức hợp nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; dự án chuỗi cung cấp con giống - trại nuôi heo thịt an toàn - lò giết mổ...

Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ nâng cao giá trị sản phẩm

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai các chính sách hỗ trợ DN, hợp tác xã (HTX) và người dân xây dựng mô hình sản xuất nông thôn mới. Cụ thể, hỗ trợ 253 mô hình, tổng kinh phí 56,8 tỷ đồng. Trong đó, 16 mô hình cấp tỉnh, 70 mô hình cấp huyện và 167 mô hình cấp xã. Chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng được thúc đẩy, tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận. Năm 2023, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 67.921 tỷ đồng, chiếm 63,6% tổng dư nợ toàn tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ DN, HTX thực hiện 5 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, như: Ứng dụng thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp tại HTX nông nghiệp Sơn Hòa; ứng dụng dây chuyền phối trộn tự động vào quy trình sản xuất phân bón vô cơ của Công ty Cổ phần Hóa Nông An Giang...

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp tích cực phối hợp hỗ trợ DN liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, đã hỗ trợ 59 HTX nông nghiệp (chiếm 26,7% tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh), 2 liên hiệp HTX hợp tác, liên kết với gần 30 DN, tổng diện tích liên kết khoảng 101.237ha (lúa 97.601ha, rau màu gần 5.600ha, cây ăn trái hơn 3.072ha). Trong lĩnh vực thủy sản, hỗ trợ 19 DN thủy sản liên kết tiêu thụ với 97 hộ nông dân, 16 vùng nuôi của DN, tổng diện tích 1.098ha (chiếm 73% diện tích nuôi toàn tỉnh). Trong lĩnh vực chăn nuôi, hỗ trợ tổ hợp tác và hộ chăn nuôi tại 8 xã thuộc huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn, TX. Tịnh Biên và TP. Châu Đốc (nuôi gia công heo thịt, gà thịt và vịt thịt cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam); liên kết sản xuất – tiêu thụ tổ yến với Công ty Cổ phần Việt Nam Quốc Yến. 

Tỉnh còn hỗ trợ DN thực hiện thủ tục cấp mã số vùng trồng. Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh cấp 446 mã số, tổng diện tích vùng trồng 18.160ha. Trong đó, cấp 159 mã số, diện tích 9.380ha lúa; 279 mã số, diện tích 8.727ha cây ăn trái; 7 mã số, diện tích 52ha rau màu và 23 mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời, cấp 408 mã số vùng trồng xuất khẩu, diện tích 16.629ha. Đối với thủy sản, đã cấp 146 giấy xác nhận nuôi đối tượng nhận diện ao nuôi cá tra, diện tích 854ha. Diện tích chứng nhận các tiêu chuẩn đạt 477ha (trong đó tiêu chuẩn ASC/BAP, chứng nhận đã thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP) sản lượng 200.000 tấn/năm.

UBND cấp huyện thành lập ban hỗ trợ DN để thực hiện công tác xúc tiến mời gọi đầu tư, hỗ trợ DN và nhà đầu tư vào địa bàn huyện; gặp gỡ, đối thoại, kịp thời nắm bắt thông tin, ghi nhận khó khăn, vướng mắc của DN, để có hướng kịp thời tháo gỡ. Kết quả, đã hỗ trợ 12 DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh xây dựng website, giải pháp bán hàng thông minh, giải pháp truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, thường xuyên thông tin, hỗ trợ cơ sở, DN tham gia hội chợ, triển lãm, như: Festival Lúa gạo quốc tế Hậu Giang, Mekong Connect; sự kiện Kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL…

Sở Công Thương phối hợp hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tham gia đăng ký thông tin, bán hàng qua các trang thương mại điện tử; đưa gần 150 sản phẩm OCOP và nông sản lên trang http://sanphamangiang.com, http://ketnoiocop.vn. Đồng thời, UBND huyện Chợ Mới, Thoại Sơn, TX. Tịnh Biên, TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc thành lập chuyên trang quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch địa phương.

Có thể thấy, tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên thu hút DN phát triển chuỗi giá trị đồng bộ đối với sản phẩm có lợi thế của địa phương, gắn với vùng nguyên liệu. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính theo hướng chủ động phục vụ DN; lồng ghép triển khai ưu đãi, chính sách của Trung ương, của tỉnh, nhằm thu hút, hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

TRỌNG TÍN