Xúc tiến thị trường cuối năm

26/10/2020 - 06:52

 - Thời điểm cuối năm 2020 đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dự báo nhu cầu mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn chực chờ đe dọa, hoạt động xúc tiến thị trường đòi hỏi cần linh hoạt và phù hợp hơn.

Thích ứng tình hình dịch bệnh

Theo kế hoạch ban đầu, từ ngày 3-11 đến 8-11, tại khu quy hoạch Bắc Hà Hoàng Hổ (đường Trần Quang Diệu, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang sẽ chủ trì tổ chức Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực ĐBSCL - tỉnh An Giang năm 2020. Đây là sự kiện được mong chờ để kích cầu tiêu dùng nội địa, khuyến khích mua sắm cuối năm cũng như hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Hội chợ dự kiến tổ chức với quy mô trên 200 gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương thuộc nhóm sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL như: thực phẩm - ẩm thực, đồ uống, thảo dược, vải may mặc, nội thất - trang trí - lưu niệm và dịch vụ du lịch nông thôn...

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn nguy hiểm, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã thông báo dời thời điểm tổ chức Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực ĐBSCL - tỉnh An Giang. Dự kiến đầu năm 2021, hội chợ sẽ được tổ chức. Quyết định này được xem là phù hợp bởi thời điểm đầu năm 2021 cũng là mùa mua sắm Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ lớn hơn. Đồng thời, việc dời tổ chức hội chợ sang thời điểm đầu năm sau nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương, DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trong vùng ĐBSCL chuẩn bị hàng hóa chu đáo hơn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu cho biết, từ nay đến cuối năm, An Giang sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường với các địa phương trong nước, tập trung vào vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ (Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…), các tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum)… bằng nhiều hình thức phù hợp. Trong đó, đẩy mạnh các hình thức xúc tiến, quảng bá bằng hình thức trực tuyến, thương mại điện tử.

Tại An Giang, thời điểm từ nay đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang sẽ phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức các lễ hội thức ăn đường phố, khuyến khích người dân địa phương cùng tham gia. Qua đó, kích cầu tiêu dùng tại chỗ, tạo thêm thu nhập cho người dân.

Kết nối giao thương

Trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, thị trường nội địa là kênh tiêu thụ tốt nhất hàng hóa của DN, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng địa phương như OCOP.

Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Chi nhánh An Giang Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, đồng hành với Chương trình OCOP của tỉnh, hệ thống kinh doanh của Viettel Chi nhánh An Giang đang triển khai kế hoạch hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh bán hàng theo hình thức thương mại điện tử thông qua ứng dụng VOSO của Viettel.

“Nhân viên Viettel hướng dẫn chủ cơ sở, người dân cách tải app VOSO, cách sử dụng app để đăng bán sản phẩm được công nhận OCOP, hỗ trợ cách gói hàng. Nhân viên bưu cục Viettel sẽ hỗ trợ lấy hàng, giao cho người mua. Người đăng bán được miễn phí bán hàng trên ứng dụng VOSO, chỉ phải trả phí vận chuyển” - ông Hùng thông tin.

Nằm trong chuỗi xúc tiến thương mại, mới đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã phối hợp Sở Công thương An Giang tổ chức lễ ký kết hợp tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP với Sở Công thương Đắk Lắk. Theo biên bản ghi nhớ đã được 2 địa phương thống nhất, An Giang và Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh hợp tác thông tin, quảng bá sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương trên các phương tiện truyền thông, website và tại các chương trình hoạt động xúc tiến thương mại của 2 tỉnh, ưu tiên lồng ghép với các sự kiện quảng bá của địa phương.

An Giang và Đắk Lắk cũng sẽ tổ chức các đoàn DN tham gia hội chợ, kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng với các nhà phân phối, người tiêu dùng tại các sự kiện xúc tiến thương mại 2 tỉnh và các tỉnh lân cận theo hình thức song phương hoặc đa phương; phối hợp tổ chức các chương trình kết nối cung-cầu nhằm đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của 2 tỉnh.

Cũng theo Chương trình hợp tác, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang và Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk là 2 cơ quan trực tiếp xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các nội dung của biên bản ghi nhớ hợp tác. Trong quá trình thực hiện, các bên tiến hành đánh giá kết quả và đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung phù hợp với thực tiễn. Sở Công thương An Giang sẽ phối hợp, hỗ trợ Sở Công thương Đắk Lắk thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại khác thuộc lĩnh vực ngành công thương tổ chức tại tỉnh An Giang nhằm xúc tiến các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của 2 tỉnh…

Ông Lê Trung Hiếu cho biết, thời gian tới, những hoạt động hợp tác xúc tiến thương mại như với Đắk Lắk sẽ được đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả công tác quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm của An Giang với cả nước.

NGÔ CHUẨN