Mỗi ngày, chị Lê Thị Kiều Nhi (cán bộ gia đình và trẻ em ở thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân, An Giang) luôn tìm cách để không gian nhà, nơi làm việc và môi trường xung quanh thêm sạch - đẹp. Nhờ khéo tay mà chị “chế” ra rất nhiều món đồ gia dụng từ các nguyên liệu vụn vặt. Khoảng 3 năm nay, chị Kiều Nhi thường giữ lại các bìa giấy carton, chai, lọ nhựa và biến chúng thành kệ đựng mỹ phẩm, hộp đựng viết, bình hoa, khung đồ, móc tường…
Chị Kiều Nhi chia sẻ: “Nhiều loại thùng giấy qua sử dụng còn rất tốt, bỏ thì uổng, bán cũng không được bao nhiêu tiền. Tôi nghĩ cách làm đồ dùng, mỗi sản phẩm hoàn thành và sử dụng được khá lâu. Ngoài ý tưởng cá nhân, tôi tham khảo trên mạng Internet để tạo nhiều mẫu hơn, học cách phối màu thêm thẩm mỹ”.
Chị Kiều Nhi đã làm một số sản phẩm như: khung hình, kệ đựng tài liệu, hộp đựng viết để dự thi ý tưởng sáng tạo vì môi trường của huyện và đạt giải đặc biệt. Ngoài ra, chị đang thiết kế vỏ xe, thùng nước, ống nhựa thành các con vật ngộ nghĩnh như: hươu, chim, ngựa, nhân vật hoạt hình kết hợp trồng hoa kiểng tại công viên thị trấn.
Chị Kiều Nhi cho biết, từ khi công viên được nghiệm thu năm 2019, chị mong muốn làm các sản phẩm trang trí để góp phần tạo cảnh quang môi trường, đồng thời gắn thông điệp “Ý thức đẹp, môi trường đẹp” cho người dân xung quanh chú ý. Theo quan niệm của chị Nhi, việc bảo vệ môi trường không có gì to tát, chỉ cần mỗi người góp một hành động nhỏ là không gian sống sẽ đẹp và sạch.
Các mô hình làm đẹp công viên do chị Lê Thị Kiều Nhi thực hiện
Chị Đỗ Cát Tường (ngụ phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) là người ưa chuộng sử dụng các loại mỹ phẩm nguồn gốc thiên nhiên. Hai năm nay, khi cửa hàng có chính sách thu lại vỏ mỹ phẩm để đổi quà, chị rất tích cực tham gia. Những chậu xương rồng, sen đá, cây không khí… tăng dần số lượng theo thời gian, ngoài trưng trong nhà chị còn tặng đồng nghiệp.
“Qua truyền thông, tôi biết được phần lớn mỹ phẩm mà người phụ nữ sử dụng sẽ tác động đến sự sống còn của san hô ngoài biển, chưa kể số vỏ góp vào môi trường mỗi năm rất lớn. Các hộp kem, dầu gội, vỏ son tôi tự tích lũy, cứ 5-10 món đổi được 1 cây xanh trồng trong ly giấy, thấy ý nghĩa. Nơi sản xuất đã tận dụng triệt để nguyên liệu của mình, còn khách hàng đổi được cây xanh cho không gian sống thêm xinh tươi và mát mẻ. Học theo ý tưởng này, tôi rủ bạn bè cùng giữ lại những phế liệu khác, dự định hết 1 năm sẽ bán hoặc đổi quà tặng cho nhau. Kết quả không quan trọng, cái chính là mỗi người thấy được trách nhiệm để bảo vệ môi trường sống quanh mình” - chị Tường cho biết.
Nhiều cách thu gom rác thải và tái chế thực hiện trong nhà trường để giáo dục học sinh
Nhằm chuyển biến ý thức rộng rãi trong nhân dân, các tổ chức đoàn thể đã thực hiện nhiều cách làm thiết thực theo phương châm “mưa dầm, thấm lâu”. Hội phụ nữ các xã đã thực hiện mô hình phát giỏ xách đi chợ, hộp đựng thức ăn, vận động hội viên hạn chế sử dụng túi ny-lon, đồng thời tổ chức các đợt “đổi rác lấy quà” tại chợ, khu dân cư, khuyến khích các chị trồng hoa, cây xanh và xóa dần các bãi rác tự phát.
Bà Lê Thị Mỹ Lâm (hội viên phụ nữ xã An Cư, Tịnh Biên) bày tỏ: “Từ khi hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, cảnh quan môi trường xung quanh rất sạch, không còn tình trạng bọc “bay” tùm lum ngoài đường. Tôi mong có thêm nhiều cách làm được nhân rộng ở nhiều địa bàn để mọi người giữ gìn môi trường tốt hơn”.
Việc “đổi rác lấy quà” kết hợp tuyên truyền đến nay đã được nhân rộng, duy trì thường xuyên ở các địa bàn do Hội Liên hiêp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, công đoàn phối hợp thực hiện. Món quà nhỏ có thể là chai nước tương, dầu ăn, đôi dép, vật dụng hoặc đồ trang trí làm từ nguyên liệu tái chế nhưng đã khuyến khích người dân thực hiện hiệu quả gom rác đúng nơi, phân loại và xử lý rác thải đúng cách, quan tâm vấn đề nước thải, phòng ngừa các loại dịch bệnh…
Ngoài ra, trong trường học, để rèn luyện thói quen cho học sinh bỏ rác đúng nơi quy định, mỗi trường có sáng kiến khác nhau như: xây dựng nhà 100 đồng, lồng rác thải nhựa, góc bảo vệ môi trường… Số phế liệu được gom bán và lập quỹ giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn, nhân lên ý nghĩa cho việc làm của các em. Đó là một trong những cách thiết thực để phong trào sống xanh, sống thân thiện vì môi trường tiếp tục lan tỏa và phát sinh thêm ý tưởng mới, chứ không dừng lại ở hình thức hay giai đoạn nhất định.
MỸ HẠNH