An Giang tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

13/08/2019 - 07:21

 - Lần đối thoại doanh nghiệp mới đây, số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đông hơn, nội dung trao đổi thẳng thắn, cởi mở hơn. Điều đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đặt niềm tin nhiều hơn vào lãnh đạo tỉnh, việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng thiết thực hơn.

Đối thoại thẳng thắn

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư 6 tháng đầu năm 2019 do UBND tỉnh tổ chức thật sự sôi động khi các DN đi thẳng vào những khó khăn, bức xúc của mình trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. “Suốt 19 năm đầu tư tại An Giang, tôi xem đây là quê hương thứ 2 của mình. Bắt đầu từ năm 2009, chúng tôi tập trung mạnh vào đầu tư nhà máy chế biến gạo đồ, mỗi năm xuất khẩu hơn 100.000 tấn gạo đi các nước trên thế giới. Thời gian này, DN nhận được nhiều chính sách ưu đãi, miễn giảm của tỉnh, trong đó có chính sách hoàn 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) cho thiết bị máy móc nhập về đầu tư vào dây chuyền sản xuất” - đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thịnh Phú An Giang (trụ sở khóm Long Thạnh, phường Châu Long, TX. Tân Châu), chia sẻ.

Doanh nghiệp thẳng thắn đối thoại với tỉnh

Tuy nhiên, những khó khăn ập đến với DN khi tình trạng thiên tai, sạt lở xảy ra ở TX. Tân Châu (ảnh hưởng đến nhà máy sản xuất), máy móc nhập khẩu từ Thái Lan có công nghệ lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu, thị trường xuất khẩu gạo không thuận lợi… “Dự án đầu tư hơn 500 tỷ đồng, trong đó vay vốn ngân hàng 190 tỷ đồng. Kinh doanh rủi ro, chúng tôi quyết định bán những thiết bị máy móc nhập khẩu không phù hợp để thanh toán nợ. Trước khi bán, DN gửi công văn tham khảo ý kiến Cục Thuế An Giang thì được trả lời rằng, những thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp không phải chịu thuế VAT. Vậy là công ty xuất hóa đơn thuế 0% cho đối tác mua. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, Cục Thuế lại yêu cầu công ty trả lại tiền hoàn thuế VAT trước đây cộng với số tiền phạt chậm nộp. DN lấy đâu ra tiền để nộp?” - đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thịnh Phú An Giang thắc mắc.

Đối với Công ty Cổ phần Vận tải An Giang, bức xúc lớn nhất là dù đã đầu tư Bến xe khách Long Xuyên rộng rãi, thuận tiện nhưng vẫn có một số hãng xe không vào bến, tự hình thành điểm dừng xe rước khách ở những vị trí mất an toàn giao thông như đường Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo (TP. Long Xuyên), thậm chí hình thành điểm kinh doanh xe khách trong khu dân cư Tiến Đạt. Cũng liên quan đến vận tải, đại diện khách sạn Victoria Núi Sam bức xúc khi cơ quan chức năng TP. Châu Đốc bất ngờ dựng biển cấm xe trên 16 chỗ lên núi Sam, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh khách sạn của doanh nghiệp…

Mong doanh nghiệp trải lòng cùng tỉnh

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo các sở, ngành đã đi thẳng vào vấn đề DN phản ánh. Đối với câu chuyện của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thịnh Phú An Giang, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Trần Văn Phước chia sẻ: “Theo Nghị định 29 của Chính phủ, đối với thuế đầu vào hình thành tài sản cố định mà DN được hoàn thuế VAT thì khi bán tài sản đó, DN phải nộp lại tiền hoàn thuế cho nhà nước. Còn theo Thông tư số 130 của Bộ Tài chính, máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp khi bán ra không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Đây là 2 vấn đề khác nhau. Tuy nhiên về tình, chúng tôi cũng chia sẻ với khó khăn của DN khi buộc phải bán máy móc, thiết bị không phù hợp với giá thấp hơn nhiều so giá trị ban đầu. Cục Thuế An Giang đã có công văn gửi Tổng cục Thuế, đề nghị tháo gỡ khó khăn cho DN”.

Về bức xúc của Công ty Cổ phần Vận tải An Giang, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Đỗ Văn Thơm cho biết, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản đối với DN tự đưa rước khách tại địa điểm kinh doanh. “DN này có đăng ký điểm tập kết hàng hóa, bán vé nhưng lại đưa vào hoạt động khi hồ sơ chưa hoàn chỉnh, có thực hiện đưa rước khách trái quy định. Chúng tôi đã buộc DN cam kết khắc phục” - ông Thơm nhấn mạnh.

Đối với kiến nghị của khách sạn Victoria Núi Sam, Thường trực UBND tỉnh giao Sở Giao thông - Vận tải phối hợp Ban An toàn giao thông tỉnh và UBND TP. Châu Đốc khảo sát, có hướng tháo gỡ khó khăn cho DN… “Lãnh đạo tỉnh luôn xác định, DN là động lực phát triển. Tỉnh sẽ mãi duy trì hoạt động Ban Hỗ trợ DN, Cà phê doanh nhân, đăng công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ DN, nhà đầu tư, hộ kinh doanh, người dân trên Báo An Giang. UBND tỉnh đang phối hợp VCCI Cần Thơ xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố, dự kiến công bố kết quả đánh giá năm 2020 vào đầu năm 2021. Chúng tôi muốn các sở, ngành, địa phương phải giống như bác sĩ giỏi, có y đức, chữa đúng bệnh cho DN để DN khỏe mạnh, yên tâm sản xuất - kinh doanh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh tại hội nghị đối thoại DN. Ông Nưng cho biết, qua học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương khác, đã gợi mở cho An Giang nhiều gợi ý trong nỗ lực hỗ trợ, tạo hài lòng nơi DN. “Như ở quận 12 (TP. Hồ Chí Minh), có ứng dụng để người dân, DN đánh giá cán bộ, công chức theo 5 mức (rất tốt, tốt, bình thường, kém, rất kém) mà bản thân người bị đánh giá không biết. Anh nào bị đánh giá kém nhiều lần sẽ bị thay đổi. An Giang đang nghiên cứu áp dụng cách làm này nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân, DN” - ông Nưng thông tin.

“Có những doah nghiệp ở Hà Nội xa xôi cũng vào đây tham dự với tỉnh. Việc doanh nghiệp tham gia đông đảo hơn, phát biểu nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn hơn cho thấy cộng đồng doanh nghiệp có sự gắn kết, tin tưởng hơn với tỉnh. An Giang cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ DN sớm triển khai các dự án đã được trao chủ trương đầu tư, ký cam kết đầu tư với tổng vốn khoảng 140.000 tỷ đồng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2018” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN