Cần đổi mới hoạt động “Cà phê doanh nhân”

01/01/2019 - 07:38

 - Qua hơn 2 năm tổ chức, “Cà phê doanh nhân” đã trở thành điểm gặp gỡ, kết nối thường xuyên của cộng đồng doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp với các sở, ngành. Chỉ cần thêm chút “tự tin”, chủ động nơi doanh nghiệp, thêm chút “nhiệt tình” của chính quyền, có hoạch định cụ thể, lâu dài hơn cho chương trình, “Cà phê doanh nhân” sẽ càng phát huy hiệu quả.

Giải quyết nhiều vấn đề của doanh nghiệp

Với cộng đồng doanh nhân An Giang, nhất là doanh nhân trẻ, doanh nhân khởi nghiệp, những hoạt động như “Cà phê doanh nhân” trở thành điểm hẹn không thể thiếu để trao đổi, chia sẻ về ý tưởng kinh doanh, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển tốt hơn.

Còn nhớ tại buổi “Cà phê doanh nhân” với chủ đề “kết nối tín dụng” tổ chức vào đầu tháng 5-2018, anh Đinh Minh Tuấn, chủ quán cà phê Hoa Sứ (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên), đã nêu ra vấn đề một chi nhánh ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh từ chối cho vay khoản đầu tư nâng cấp khu cà phê, điểm tâm, khu vui chơi trẻ em và phòng tập Gym của quán chỉ vì… lỗi của chính ngân hàng này (không tự động trừ tiền thanh toán lãi và gốc vay trong tài khoản khách hàng, dẫn đến khách hàng bị đưa vào danh sách nợ quá hạn). Qua hướng dẫn của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang Lê Trọng Nghĩa, anh Tuấn đã khiếu nại lên Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và đã được gỡ tên khỏi danh sách nợ quá hạn. “Nhờ tham gia “Cà phê doanh nhân”, lãnh đạo một ngân hàng khác đã biết được trường hợp của tôi nên chủ động kết nối. Ngân hàng này đã cử nhân viên thẩm định dự án, giải ngân cho tôi vay phù hợp với khoản vốn đầu tư” - anh Tuấn thông tin.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân cùng Hiệp hội Doanh nghiệp và Hội Doanh nhân trẻ An Giang thăm người già cô đơn

Đối với anh Nguyễn Thanh Sử, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Nhà thông minh An Giang (phường Bình Khánh), do khởi nghiệp trong một lĩnh vực hoàn toàn mới nên anh xem “Cà phê doanh nhân” như diễn đàn quan trọng để chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, các sở, ngành về ý tưởng của mình. Qua kết nối của chính những doanh nghiệp, khách mời tham gia “Cà phê doanh nhân”, anh Sử tìm kiếm thêm được những đối tác, khách hàng tin cậy.

Cùng với thành lập Ban Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh An Giang, việc ra mắt “Cà phê doanh nhân” (từ tháng 8-2016) đã tạo được sự đồng thuận, hoan nghênh của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Kể từ ngày 20-4-2018, “Cà phê doanh nhân” chính thức chuyển về Cà phê sân vườn Nhà hàng Thắng Lợi (số 01 Lê Hồng Phong, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), được Hiệp hội Doanh nghiệp và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh duy trì tổ chức cho đến nay theo hình thức đổi mới, lồng ghép chuyên đề cụ thể theo nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp tại các buổi diễn ra vào thứ 6 của tuần thứ 1 và tuần thứ 3 hàng tháng. Những tuần còn lại, buổi cà phê diễn ra theo chủ đề tự do, doanh nghiệp tham gia tự bỏ tiền hùn vào 100.000 đồng/người, phần dư sau khi trừ chi phí tổ chức sẽ dùng làm quỹ An sinh xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán 2019 (2 buổi cà phê có chuyên đề trong tháng do UBND tỉnh đài thọ chi phí tổ chức).

Hướng tới hiệu quả lâu dài

Năm 2018, “Cà phê doanh nhân” đã tổ chức 16 chuyên đề, được xem là rất thiết thực với doanh nghiệp như: tìm hiểu về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tín dụng, lĩnh vực du lịch, giao thông, thuế, hải quan, chính sách thu hút đầu tư, giới thiệu công nghiệp 4.0, năng lượng tái tạo, chia sẻ về ứng dụng tem điện tử trong marketing và xác thực nguồn gốc hàng hóa, tiện ích công nghệ thông tin, quản trị nhân sự, giải pháp quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp cũng như giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, “Cà phê doanh nhân” còn những hạn chế nhất định. Đó là tình trạng doanh nghiệp chưa mạnh dạn đăng ký chuyên đề về Hiệp hội Doanh nghiệp và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, chưa thẳng thắn nói lên những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh. Buổi cà phê cũng chưa tập trung vào chủ đề nóng, phức tạp; việc giao lưu, kết nối doanh nghiệp, sử dụng sản phẩm của nhau còn hạn chế. “Có những vấn đề doanh nghiệp nêu ra nhưng lãnh đạo sở, ban, ngành giải quyết chưa triệt để, chưa tháo gỡ khó khăn đến cùng cho doanh nghiệp. Do bận công tác, sự tham gia của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chưa thường xuyên. Đối với doanh nghiệp, do bận công việc kinh doanh nên đôi lúc tham gia chưa tích cực” - bà Dung nhận xét.

Anh Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ An Giang cho rằng, để nâng hiệu quả “Cà phê doanh nhân”, phải bắt đầu từ chính doanh nhân. “Bản thân doanh nhân phải chủ động đăng ký chuyên đề, mạnh dạn phát biểu ý kiến. Trên tinh thần ủng hộ của thường trực UBND tỉnh, Ban Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành sẽ cùng tham gia để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp” - anh Việt nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ An Giang cho biết, năm 2019, Ban Tổ chức “Cà phê doanh nhân” sẽ thành lập ban biên soạn để xây dựng kịch bản chuyên đề lâu dài cho hoạt động này, cử thư ký ghi biên bản buổi “Cà phê doanh nhân”, ghi ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp để gửi các sở, ngành, Ban Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh xử lý. “Trong quá trình tổ chức, sẽ có điều chỉnh chủ đề hàng tháng theo thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp để “Cà phê doanh nhân” trở thành cầu nối nhà nước với doanh nghiệp cũng như cộng đồng doanh nghiệp với nhau”- anh Việt khẳng định.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN