Cơ hội mới cho cá tra

22/08/2018 - 07:48

 - Hoa Kỳ có khả năng giảm bớt khó khăn về rào cản kỹ thuật, Trung Quốc sẽ giảm thuế nhập khẩu cá tra, thị trường EU dự báo khởi sắc sau thời gian trầm lắng... là những tín hiệu lạc quan đối với ngành cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng tốt thời cơ mới, cần phải chú trọng vào chất lượng, quy trình sản xuất (SX), đặc biệt là SX theo quy hoạch, tăng cường liên kết trong SX giống cũng như cá tra nguyên liệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nỗ lực vượt khó

Các tháng đầu năm 2018, ngành cá tra Việt Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn từ các rào cản của thị trường nhập khẩu (NK). Tổng cục Thủy sản cho biết,

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các địa phương, sự vào cuộc của người dân, cộng đồng doanh nghiệp nên hoạt động SX, XK cá tra phát triển rất tốt. Các tháng đầu năm 2018, ngành hàng cá tra tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao từ năm 2017. Giá cá giống, giá cá nguyên liệu tiếp tục duy trì ở mức cao. Tính đến ngày 30-7-2018, kim ngạch XK cá tra đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 19,3% so cùng kỳ năm 2017.

Nhằm đáp ứng tốt yêu cầu các nước NK, các địa phương đã tăng cường triển khai Nghị định số 55/2017/NĐ-CP ngày 9-5-2017 của Chính phủ về quản lý nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra. Nghị định số 55/2017/NĐ-CP quản lý ngành hàng cá tra theo chuỗi bằng cách kiểm soát chất lượng và điều kiện cũng như kiểm tra hậu kiểm. Đây là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để Bộ NN Hoa Kỳ đánh giá hệ thống văn bản quản lý chất lượng cá tra Việt Nam là tương đương với hệ thống văn bản quản lý chất lượng cá da trơn của Hoa Kỳ. Tính đến ngày 30-7-2018, có 4.860 ao nuôi đã được cấp mã số nhận diện, trong đó Đồng Tháp là 1.642 ao, TP. Cần Thơ 912 ao, An Giang 791 ao, Vĩnh Long 680 ao, Bến Tre 611 ao, Tiền Giang 143 ao, Sóc Trăng 81 ao.

Tận dụng cơ hội

Tháng 4-2018, để chuẩn bị cho đoàn thanh tra thực địa của Cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm thuộc Bộ NN Hoa Kỳ (FSIS), Tổng cục Thủy sản và Chi cục Thủy sản các địa phương đã đi kiểm tra điều kiện nuôi và thực hành nuôi, hồ sơ lưu của 70 vùng, cơ sở nuôi cá tra thương phẩm cung cấp nguyên liệu XK đi Hoa Kỳ. Qua đó hướng dẫn, đôn đốc cơ sở nuôi khắc phục những điểm chưa phù hợp trước thời gian thanh tra của FSIS. Từ ngày 14 đến 25-5-2018, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) là đơn vị đầu mối, Tổng cục Thủy sản là đơn vị phối hợp đã tiếp đoàn thanh tra của FSIS thanh tra thực địa 8 nhà máy chế biến và 2 cơ sở nuôi cá tra cung cấp nguyên liệu XK vào Hoa Kỳ. Ngày 29-6, phía Hoa Kỳ đã gửi dự thảo báo cáo kết quả thanh tra cho Việt Nam, kết quả sơ bộ cho thấy tín hiệu khả quan. Từ ngày 24 đến 27-7, đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám dẫn đầu đã làm việc với Bộ NN Hoa Kỳ nhằm thảo luận về báo cáo kết quả thanh tra thực địa của Hoa Kỳ, chuẩn bị cho kết luận về đánh giá tương đương. Phía Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, cơ bản thống nhất kết quả, thông báo thời hạn đưa ra dự thảo kết luận vào ngày 23-9-2018.

Theo Tổng cục Thủy sản, nếu Bộ NN Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tương đương với Hoa Kỳ thì sẽ là cơ hội rất tốt để khẳng định uy tín, quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam và tiếp tục duy trì XK vào Hoa Kỳ. Song song đó, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh tỷ giá giữa đồng USD/VND trong tháng 8-2018 lên mức 23.400 đồng/1 USD cũng có lợi cho các doanh nghiệp XK cá tra.

Những tháng cuối năm 2018 và thời gian tiếp theo, thị trường tiêu thụ cá tra của Việt Nam dự báo thuận lợi khi cả Trung Quốc (thị trường NK lớn nhất) và Hoa Kỳ (quốc gia NK lớn thứ 2) đều thuận lợi. Ngày 31-5-2018, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố giảm thuế NK đối với 221 mặt hàng thủy, hải sản đến từ các quốc gia ưu tiên (thành viên của WTO). Theo đó, thuế NK cá tra Fillet (mã số 03046290) sẽ giảm từ 10% xuống 7%, thuế NK cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%. Việc cắt giảm thuế sẽ giúp các doanh nghiệp XK của Việt Nam cải thiện được biên độ lợi nhuận và thúc đẩy việc phát triển thị trường tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Từ ngày 1-10-2019, các mặt hàng nông sản muốn XK vào Trung Quốc đều phải có Giấy chứng nhận chất lượng, xuất xứ được cơ quan có thẩm quyền của nước XK ban hành. Điều này sẽ hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh.

Mặc dù vẫn còn khó khăn khi thị trường Ả Rập Xê Út tạm ngừng NK đối với cá tra Việt Nam nhưng thị trường EU bắt đầu khởi sắc sau thời gian dài trầm lắng. Đó đều là những cơ hội để ngành cá tra Việt Nam tăng tốc…

* 7 tháng đầu năm 2018, diện tích thả nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL đạt 4.033ha, thu hoạch 2.527ha, sản lượng đạt 814.086 tấn. Đồng Tháp là địa phương dẫn đầu khi diện tích nuôi đạt 1.943ha, thu hoạch 856ha, sản lượng 312.996 tấn; kế đến là An Giang (diện tích nuôi 573ha, thu hoạch 592ha, sản lượng 189.034 tấn), Bến Tre (diện tích nuôi 550ha, thu hoạch 474ha, sản lượng 124.450 tấn), TP. Cần Thơ (diện tích nuôi 617ha, thu hoạch 341ha, sản lượng 101.613 tấn)…

** Định hướng chính của ngành cá tra trong những tháng cuối năm 2018 là tiếp tục cải thiện chất lượng con giống; tập trung nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết SX theo chuỗi giá trị; xử lý kịp thời các rào cản thương mại, kỹ thuật cho sản phẩm cá tra, bao gồm cả thị trường nội địa; chuẩn bị giải pháp ứng phó với khả năng cạnh tranh từ một số quốc gia SX cá tra...

 

NGÔ CHUẨN