Khẳng định chủ trương của Việt Nam trở thành thành viên tích cực, đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế

31/05/2019 - 16:33

Việt Nam có kinh nghiệm của nhiệm kỳ thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) năm 2008-2009 và có kinh nghiệm trong các hoạt động quốc tế, chắc chắn khi ứng cử làm thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam có năng lực tốt hơn so với nhiệm kỳ trước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại một phiên họp của LHQ. (Ảnh minh họa:baoquocte.vn)

Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách là Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009, tham gia chủ động, thể hiện lập trường độc lập tự chủ, đóng góp xây dựng, hợp tác, và có trách nhiệm, khéo léo xử lý khi có vấn đề khác biệt giữa các thành viên, nhất là các nước lớn; thực hiện được các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đề ra, có nhiều sáng kiến và đóng góp vào hoạt động của HĐBA, được các nước đánh giá cao.

Việc Việt Nam hoàn thành tốt trọng trách là Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009, có thể tựu trung lại 4 kết quả chính:

Thứ nhất, Việt Nam đã bắt nhịp nhanh, tham gia đóng góp tích cục, chủ động và toàn diện trên tất cả các vấn đề của HĐBA, qua đó góp phần tích cực vào việc triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng X cũng như bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước:

- Việt Nam không chỉ bắt nhịp nhanh, tham gia đầy đủ 1.500 cuộc họp của HĐBA mà đóng góp tích cực trên tất cả các vấn đề và tất cả các khâu từ phát biểu, tham gia thương lượng, đóng góp xây dựng nghị quyết, văn kiện, làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch một số tiểu ban của HĐBA, 2 lần làm Chủ tịch tháng của HĐBA, xây dựng Báo cáo năm về công việc của HĐBA, cũng như chủ trì soạn thảo, thương lượng giúp HĐBA thông qua 1 Nghị quyết về phụ nữ và hòa bình an ninh. Là đại diện của châu Á, Việt Nam đã quan tâm thúc đẩy giải quyết hòa bình các vấn đề ở khu vực (hạt nhân của Iran, CHDCND Triều Tiên, Nê-pan, Đông Ti-mo..).

Việt Nam cùng quan tâm thúc đẩy các vấn đề ở các khu vực khác như: châu Phi, Trung Đông (trong 2 lần là Chủ tịch HĐBA Việt Nam đều thúc đẩy thảo luận mở về vấn đề hòa bình Trung Đông).

- Khi tham gia, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới trọng trách chính của HĐBA, trọng tâm xuyên suốt trong 2 năm 2008-2009 tại HĐBA triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại yêu chuộng hòa bình, đóng góp tích cực trong việc giải quyết xung đột, khủng hoảng trên thế giới, ủng hộ các giải pháp thông qua thương lượng hòa bình, hạn chế các biện pháp trừng phạt (như trên vấn đề hạt nhân của Iran, CHDCND Triều Tiên), dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản (như trên vấn đề Zimbabwe, Myanmar); qua đó đóng góp cho hòa bình, an ninh thế giới nói chung, đảm bảo môi trường an ninh, tạo thuận lợi cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, Việt Nam đã kiên định việc bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, giữ vững độc lập tự chủ, lập trường nguyên tắc, đồng thời linh hoạt, khéo léo xử lý yêu cầu quan hệ với các nước.

- Sự tham gia và biểu quyết của Việt Nam tại HĐBA về các vấn đề chống chiến tranh, giải trừ quân bị, chống khủng bố, hạn chế việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, đóng góp cho việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, đẩy lùi nhũng âm mưu lợi dụng dân chủ, nhân quyền để can thiệp… đã góp phần bảo đảm lập trường nguyên tắc cũng như các lợi ích quốc gia.

- Đồng thời Việt Nam cũng linh hoạt, khéo léo xử lý tốt quan hệ với các nước lớn, các nước có lợi ích liên quan, và các bạn bè truyền thống...trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ các lợi ích chính đáng của các bên, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Việt Nam đã duy trì trao đổi, tham vấn thường xuyên với các nước thành viên HĐBA ở các cấp tại New York và thủ đô các nước (đặc biệt với Nga, Trung Quốc), tạo được mối quan hệ hợp tác, tin cậy, thẳng thắn (với Mỹ, Anh, Pháp...). Bên cạnh đó, là định kỳ trao đổi với các nhóm nước châu Á, châu Phi, Arab và giữ vai trò nòng cốt trong Nhóm các nước Không liên kết tại HĐBA.

Thứ ba, hoạt động của Việt Nam tại sân chơi đa phương cao nhất này đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ song phương, trở thành một minh chứng cụ thể giúp Việt Nam vững tin trong hội nhập quốc tế.

- Tổng thư ký LHQ và lãnh đạo nhiều nước, đặc biệt là các nước lớn, các đối tác quan trọng và trong khu vực đều đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam tại HĐBA; thể hiện một Việt Nam chủ động, đóng góp tích cực, trách nhiệm, xây dựng vào công việc chung và mong Việt Nam giữ vai trò lớn hơn trên các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN vào 2020. Đặc biệt các nước Không liên kết, đang phát triển đánh giá Việt Nam có nhiều đóng góp phát huy vai trò và tiếng nói của Không liên kết, đang phát triển thông qua việc thường xuyên tham khảo các nước này, nhất là trong soạn thảo Báo cáo hoạt động năm của HĐBA.

- Trong hai năm 2008-2009, nhiều nước chủ động đặt vấn đề thăm Việt Nam, đáp ứng nhanh chóng và thu xếp thuận lợi các chuyến thăm của Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam, bày tỏ nguyện vọng tiếp xúc với Trưởng đoàn Việt Nam tại các hội nghị quốc tế. Hoạt động của Việt Nam tại HĐBA không chỉ giúp nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, mà còn góp phần đưa các quan hệ song phương với các nước đi vào chiều sâu; mở ra cơ hội đầu tư, thương mại hay thị trường mới tại nhiều nước và khu vực. Thời gian qua đã chứng kiến quan hệ của ta với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc được nâng thành đối tác chiến lược; với Úc, New Zealand thành đối tác toàn diện mà một trong những nội dung quan trọng là hợp tác và phối hợp trên các vấn đề khu vực và toàn cầu tại các diễn đàn đa phương.

Thứ tư, Việt Nam đã đảm bảo được sự lãnh đạo trực tiếp, sát sao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ/ngành, giữa trong và ngoài nước trong việc chỉ đạo và triển khai các hoạt động tại HĐBA.

Trong 2 năm 2008-2009, cả một bộ máy tham mưu, hoạch định chính sách đã vận hành nhịp nhàng, hiệu quả để triển khai tốt việc tham gia HĐBA. Ở trong nước, được sự chỉ đạo trực tiếp sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã đóng vai trò đầu mối phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong Tổ công tác liên Ngành về HĐBA. Ở ngoài nước, hàng chục cơ quan đại diện đầu mối của ta tại các nước là thành viên HĐBA, ASEAN hay tại những nơi có các điểm “nóng” trên thế giới luôn theo sát tình hình và đảm bảo duy trì trao đổi thông tin thường xuyên với các nước sở tại. Đặc biệt, phải kể đến sự tham gia, đóng góp của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, đơn vị “tiền tiêu” trực tiếp tham gia các hoạt động của HĐBA trong suốt 2 năm qua, bất kể ngày đêm.

Để phối hợp nhịp nhàng tất cả các khâu, chúng ta đã xây dựng được một cơ chế phối hợp, tham mưu liên Ngành và phân cấp quyết định về HĐBA nhằm bảo đảm sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với các hoạt động của ta tại HĐBA, đồng thời vẫn xử lý được nhanh chóng, chính xác khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp của HĐBA. Quá trình tham gia HĐBA đã đem lại nhiều kinh nghiệm quý báu về phối hợp liên ngành cần tiếp tục được phát huy trong hoạt động của ta tại các diễn đàn đa phương, nhất là khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2010.

- Trong quá trình tham gia, đóng góp tại HĐBA, Việt Nam đã làm tốt công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình đồng thời cũng đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ ngoại giao đa phương có bản lĩnh, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, giỏi ngoại ngữ, trường thành và được rèn luyện qua thực tế.

Trong tình hình mới, với vị thế mới, Việt Nam đứng trước kỳ vọng phải phát huy tốt hơn vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA trong nhiệm kỳ 2020-2021, đóng góp nhiều hơn, thiết thực hơn vào công việc của HĐBA, giải quyết những thách thức chung, đáp ứng những quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm nặng nề cho Việt Nam trong 2 năm sắp tới.

Việt Nam ứng cử vào HĐBA tiếp tục khẳng định chủ trương của Việt Nam là trở thành thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời là cơ hội để Việt Nam có thể đóng góp xây dựng tại cơ chế có tầm quan trọng chiến lược đối với hòa bình, an ninh quốc tế này, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

Theo MINH ANH (Đảng Cộng sản Việt Nam)