Tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp

31/10/2018 - 07:29

 - Đổi mới “Cà phê doanh nhân”, chủ động lắng nghe doanh nghiệp, tăng cường kết nối doanh nghiệp với ngân hàng… là những nỗ lực của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất - kinh doanh. Tỉnh mong muốn xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của An Giang

Không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cho biết, với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có nhiều cơ hội xây dựng, phát triển. Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ rào cản, khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe ý kiến đóng góp chân thành, tâm huyết của doanh nghiệp, nhà đầu tư để xây dựng hình ảnh An Giang hấp dẫn, là điểm đến lý tưởng của doanh nghiệp. “Tỉnh ủy, UBND tỉnh khẳng định sẽ kiên quyết xử lý, không có “vùng cấm” cho những cá nhân, cơ quan, đơn vị gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp” - ông Nưng nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, những hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp được thể hiện bằng việc duy trì mô hình “Cà phê doanh nhân” nhưng có đổi mới nội dung, thực hiện trao đổi theo chủ đề cụ thể của từng buổi, tạo môi trường cởi mở để doanh nghiệp, khách mời, đại diện các sở, ngành giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giải quyết vướng mắc, giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, khách hàng để mở rộng kinh doanh… Hàng tháng, Báo An Giang phối hợp Văn phòng UBND tỉnh đăng công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ doanh nghiệp, người dân của 22 sở, ngành và UBND 11 huyện, thị xã, thành phố. Văn phòng UBND tỉnh kịp thời có văn bản truyền đạt ý kiến nhắc nhở của Thường trực UBND tỉnh đối với các đơn vị, địa phương có nhiều hồ sơ trễ hạn. Việc đăng báo công khai giúp tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan thực thi công vụ, đồng thời giúp người dân, doanh nghiệp giám sát kết quả thực hiện. “Cùng với tổ chức đối thoại doanh nghiệp định kỳ, ngày 9-4-2018, UBND tỉnh đã có Công văn số 374/UBND-KTTH về hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vay vốn tổ chức tín dụng. Đây là giải pháp mới nhằm nâng cao trách nhiệm công khai của ngân hàng, giúp doanh nghiệp nắm rõ hơn các quy định về vay vốn tín dụng. Trường hợp ngân hàng không cho vay phải giải thích rõ lý do. Nếu doanh nghiệp không đồng tình với ý kiến giải thích thì phải tổ chức đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp, có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Trường hợp vẫn chưa đồng thuận thì Thường trực UBND tỉnh tham gia đối thoại” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng thông tin.

Không làm khó doanh nghiệp

Để doanh nghiệp yên tâm làm ăn, năm 2016, UBND tỉnh đã tổ chức từng buổi làm việc riêng với 5 lực lượng gồm: cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, thuế, hải quan, quản lý thị trường nhằm quán triệt tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp. “Quan điểm của lãnh đạo tỉnh và người đứng đầu các lực lượng, đối với lỗi vi phạm lần đầu của doanh nghiệp, nếu không quá nghiêm trọng hoặc không cố tình vi phạm, thuộc trường hợp phạt cũng được mà không phạt cũng được thì không phạt, chủ yếu nhắc nhở đừng tái phạm. Phải thấy rằng, nếu các lực lượng đều “làm khó”, “kiếm lỗi” của doanh nghiệp để xử phạt thì doanh nghiệp khó tồn tại. Chính sự trong sáng của lãnh đạo tỉnh là động lực lớn nhất để doanh nghiệp phát triển” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng khẳng định.

Những nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh đã phần nào được thể hiện qua các chỉ số PAPI (chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh), PAR INDEX (chỉ số cải cách hành chính) và PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2017 đều tăng điểm, cải thiện thứ hạng đáng kể so năm 2016 (PAPI tăng 16 bậc, xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố;PAR INDEXtăng 28 bậc, xếp hạng 8/63;PCI tăng 6 bậc, xếp hạng 32/63). “9 tháng của năm 2018, tổng sản phẩm của tỉnh tăng 6,15%, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm qua. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng gần 9%, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 9,14%, đạt trên 28.000 tỷ đồng. Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt trên 82.000 tỷ đồng, tăng hơn 11%; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 600 triệu USD, tăng 3,29%. Ngành du lịch đã đón 8 triệu lượt khách, tăng 14%... Những kết quả này có vai trò đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp” - ông Nưng nhấn mạnh.

Môi trường đầu tư của tỉnh có sức hút ngày càng lớn khi chỉ trong 9 tháng của năm 2018, tỉnh đã thu hút đầu tư 66 dự án (1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 65 dự án đầu tư trong nước), với tổng vốn đăng ký hơn 22.520 tỷ đồng, gấp 2,84 lần so cùng kỳ 2017, cao hơn cả nhiệm kỳ 2010-2015 cộng lại.Cùng với đó, có 512doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 3.892 tỷ đồng, tăng 31,88% (tương đương 941 tỷ đồng) so cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp thành lập mới đạt 7,47 tỷ đồng(tăng 47,33% so cùng kỳ).

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cho biết, những kết quả trên là động lực để tỉnh quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới sáng tạo, tăng cường liên kết, hợp tác, nắm bắt công nghệ mới của thế giới để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp An Giang đủ mạnh, đủ tầm vóc, khẳng định uy tín thị trường nội địa và vươn ra thị trường quốc tế.

“Tỉnh đang tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đối với những quy định vượt thẩm quyền, tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương tháo gỡ một cách hài hòa, vì sự phát triển chung của cộng đồng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN