Thị trường Tết Mậu Tuất: Không lo thiếu thịt

16/01/2018 - 19:28

Giò, chả, thịt là những thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết với mỗi người Việt, do vậy mỗi khi Tết đến những mặt hàng này lại được đông đảo người dân và các nhà quản lý quan tâm. Tuy nhiên nhờ thực hiện các chương trình bình ổn giá nên tết Mậu Tuất năm nay dù nhu cầu của người tiêu dùng có gia tăng nhưng giá các loại giò, chả và thịt được dự báo sẽ không có biến động nhiều.

Xuất hiện một số loại giò, chả mới

Nếu như những năm trước, người tiêu dùng Hà Nội chỉ lựa chọn giò lụa, giò bò để tiêu dùng trong những ngày Tết hay làm quà biếu, thì năm nay, thị trường xuất hiện thêm một số loại giò, chả mới như giò ngựa, giò đà điểu, giò nấm…

Dịp tết Nguyên đán sắp tới sản phẩm chăn nuôi rất dồi dào, không sợ xảy ra khủng hoảng thiếu như các năm trước. Ảnh: Hữu Linh.

Theo chị Phương Dung, chủ một cơ sở sản xuất giò nấm cho biết, vì là thực phẩm không để được lâu nên thường đến cận Tết khách mới đặt và chúng tôi cũng chỉ nhận đặt trước tối thiểu 2 ngày để đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, mặt hàng giò nấm là thực phẩm chay, với thành phần 100% từ thực vật như nấm mèo, nấm bào ngư, nấm hương, gia vị chay và dầu thực vật. Người tiêu dùng có thể thưởng thức món giò nấm mà không lo bị béo ngấy, phù hợp với những người ăn chay, ăn kiêng. Hiện giá giò nấm đang dao động từ 160.000 – 200.000 đồng/kg tùy từng loại nấm được sử dụng làm giò.

Ngoài giò nấm thì giò đà điểu năm nay cũng là một loại giò độc đáo không kém trong dịp Tết, giá cả dao động từ 250.000 đồng/cây loại 1kg và 130.000 đồng/cây loại 0,5kg. Ngoài ra, để tiện dụng cho khách hàng, các cửa hàng còn nhận đặt giò đà điểu loại nhỏ 150.000 đồng/10 cái.

Giá cả các mặt hàng giò, chả khác hiện nay cũng chưa có sự biến động nhiều, tại các siêu thị, chợ truyền thống giá giò lụa dao động từ 115.000 đồng-130.000 đồng/kg giò lụa, giò bò có giá từ 240.000 đồng – 260.000 đồng/kg, chưa có sự biến động so với thời điểm trước Tết.

Nhận định về nhu cầu trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất sắp tới, chị Phùng Thanh Hoa, chủ cơ sở sản xuất giò chả Phước Hưng cho biết, cũng như mọi năm, năm nay nhu cầu giò, chả dịp Tết sẽ tăng cao hơn so với ngày thường từ 40-50%, ngay từ mấy tháng trước, hầu như các cơ sở sản xuất giò, chả đã phải lên phương án đặt nguồn cung thịt để làm giò, chả, các phụ liệu như lá dong, lạt, gia vị các loại cũng được chúng tôi chuẩn bị từ trước đây vài tháng. Đặc biệt, năm nay ngoài kiểu gói giò truyền thống bằng lá dong khiến việc bảo quản giò không được lâu thì chúng tôi có áp dụng thêm công nghẹ sản xuất mới bằng việc sản xuất giò hút chân không. Với công nghệ hút chân không, có thể bảo quản giò trong túi nilon cả tháng không lo bị ôi thiu.

Các kênh bán hàng đã lên kế hoạch chuẩn bị

Bên cạnh các sản phẩm giò, chả thì thịt cũng là mặt hàng thiết yếu, với nhu cầu rất cao trong những ngày Tết sắp tới. Các doanh nghiệp chuyên cung ứng thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội như Bác Tôm, Sói Biển… hệ thống siêu thị Vinmart, các hợp tác xã cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn thực phẩm đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu trong dịp Tết. Đáng chú ý, trong năm 2017, Việt Nam đã diễn ra khủng hoảng thừa thịt lớn nhất từ trước đến nay vì vậy dự báo giá thịt sẽ khó có thể tăng giá.

Đề cập đến nguồn cung và giá cả các sản phẩm chăn nuôi dịp tết Nguyên đán, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, năm nay, các sản phẩm chăn nuôi sẽ rất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Không những thế, người tiêu dùng đều được sử dụng sản phẩm thịt giá rẻ, chất lượng tốt. Đặc biệt, trong dịp tết Nguyên đán sản phẩm chăn nuôi rất dồi dào, không sợ xảy ra khủng hoảng thiếu.

Để chuẩn bị cho nhu cầu tăng cao vào gần dịp Tết, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu dự trữ hàng hóa phục vụ tết Mậu Tuất 2018. Fivimart dự kiến lượng hàng hóa dự trữ trong hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với năm ngoái, với trị giá gần 300 tỷ đồng. Còn Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã dự trữ các mặt hàng thiết yếu, như thịt lợn, bò, gà, trứng, thủy sản... với tổng trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2016); phục vụ tại 70 điểm bán lẻ của Hapro cùng 22 phiên chợ hàng Việt Nam và 100 chuyến bán hàng lưu động về nông thôn. Hệ thống siêu thị BigC cũng sẽ cung ứng đầy đủ hàng hóa và bảo đảm bình ổn giá cả, riêng thịt gia súc, gia cầm tươi sống được siêu thị chuẩn bị với số lượng 400 - 500 tấn.

Theo Báo Hải Quan