Tiếp động lực cho Tri Tôn phát triển

30/01/2018 - 06:06

 - Dù có tiềm năng lớn nhưng do xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) còn khó khăn, huyện Tri Tôn rất cần sự tiếp sức, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành. Buổi làm việc của đoàn công tác tỉnh về triển khai kế hoạch KT-XH huyện Tri Tôn năm 2018, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì, được xem là một động lực và định hướng cần thiết để Tri Tôn phát triển.

Tập trung phát huy thế mạnh

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá, năm 2017, KT-XH huyện Tri Tôn tiếp tục phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, thực hiện khá tốt các chỉ tiêu do HĐND đề ra. Huyện đã tổ chức lại sản xuất phù hợp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả. Nhờ tích cực mời gọi đầu tư, nhiều doanh nghiệp (DN) lớn đã đến địa phương thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn”, xây dựng trang trại nuôi heo, bò, trồng chuối cấy mô... Năm 2017, huyện thu ngân sách đạt gần 132% so với dự toán. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, đời sống Nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm đáng kể…

Tạo động lực để Tri Tôn phát triển

Tạo động lực để Tri Tôn phát triển

Dựa vào tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Tri Tôn tiếp tục tổ chức lại sản xuất phù hợp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, chú ý phát triển cây dược liệu và quy hoạch vùng trồng cây dược liệu. Bên cạnh duy trì, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, kinh tế trang trại, huyện cần chủ động phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tạo quỹ đất để kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển du lịch (DL). Ngoài ra, cần quan tâm lợi thế cây thốt nốt, phối hợp Sở Công thương xây dựng thương hiệu chuẩn về sản phẩm đường thốt nốt và nước thốt nốt, tạo điểm khác biệt so với địa phương khác nhằm tăng giá trị kinh tế và phục vụ du khách. 

Ông Nguyễn Thanh Bình giao UBND huyện Tri Tôn sớm lập đề án quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở 2 xã Núi Tô và Cô Tô. Trong đó, tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến dựa vào các nguồn nguyên liệu sẵn có, đồng thời duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, tạo sản phẩm DL đặc thù như: đường thốt nốt, cốm dẹp, bò viên, gốm thủ công… Huyện cần tăng cường kêu gọi đầu tư, xã hội hóa đầu tư vào các chợ trên địa bàn huyện, sắp xếp lại các chợ đầu mối theo hướng văn minh, lịch sự, xây dựng mô hình chợ an toàn vệ sinh thực phẩm, cửa hàng nông sản an toàn phục vụ người dân…

Khai thác DL

Đây là lĩnh vực Tri Tôn đặc biệt quan tâm bởi tiềm năng phát triển DL của huyện rất lớn. Tại buổi làm việc, huyện kiến nghị đưa khu DL hồ Soài So vào chương trình phát triển DL của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã đồng ý với đề xuất này, giao Sở Văn hóa - Thể thao và DL hỗ trợ huyện xây dựng điểm DL hồ Soài So và đưa vào chương trình phát triển DL của ngành. Sở cũng được giao phối hợp UBND huyện Tri Tôn lập quy hoạch tổng thể phát triển DL trên địa bàn huyện.

 Đối với kiến nghị di dời, xây dựng mới khu hành chính xã Lạc Quới, lấy trụ sở cũ hiện nay làm công viên, nhà lưu niệm - trưng bày, ghi ơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Thanh Bình giao huyện Tri Tôn xây dựng đề án, xác định rõ nguồn vốn (huyện, tỉnh), trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Đây cũng là một trong những điểm nhấn phát triển DL, giáo dục truyền thống của huyện.

Trong điều kiện trình độ dân trí còn thấp, để thúc đẩy KT-XH phát triển bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Tri Tôn thực hiện tốt công tác huy động học sinh ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS để phát triển lao động có tay nghề. Với đặc thù là huyện có đường biên giới giáp Campuchia, huyện cần đẩy mạnh công tác kiểm dịch động vật, không để lây lan dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện, nhất là 2 xã biên giới Vĩnh Gia và Lạc Quới.

Để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, huyện cần củng cố, nâng chất phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng, phát động người dân tham gia rèn luyện thể dục - thể thao. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh game bắn cá, các dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn ảnh hưởng đến cộng đồng, xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị huyện phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt việc làm đối với đồng bào dân tộc Khmer. Song song đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục nhằm tạo ra môi trường thông thoáng, thân thiện cho các nhà đầu tư và người dân. Từ đó, tiếp tục thu hút đầu tư mạnh mẽ, tạo động lực để địa phương phát triển.

“Huyện cần thành lập tổ công tác để phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành xây dựng các danh mục chương trình, đề án kêu gọi đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách của bộ, ngành Trung ương để tỉnh giúp địa phương tranh thủ nguồn lực hoặc mời gọi DN quan tâm đầu tư trên địa bàn huyện” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình gợi ý.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN