Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho thế hệ trẻ

26/06/2019 - 07:45

 - Chiếm tỷ lệ 22,81% dân số toàn tỉnh, thanh niên là lực lượng có nhiều tiềm năng và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh luôn coi trọng công tác giáo dục, chăm lo thế hệ trẻ và xem việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới là nhiệm vụ quan trọng của công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi.

Từ khi Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Tỉnh đoàn) đi vào hoạt động đã trở thành động lực cho các dự án khởi nghiệp (start-up). Nhiều hoạt động khởi nghiệp được triển khai, công bố quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và đến nay đã hỗ trợ hơn 28 dự án khởi nghiệp, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trung tâm đã vận hành “Vườn ươm doanh nghiệp trẻ” và có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đang trong quá trình ươm tạo. Với sự quan tâm của tỉnh, các start-up như được “truyền lửa”, để tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả và ươm mầm ý tưởng mới.

Trong quá trình hội nhập hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của thanh, thiếu nhi không ngừng được nâng lên. Sự phát triển kinh tế - xã hội và khoa học - công nghệ là điều kiện để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, giải trí, thụ hưởng giá trị văn hóa, nghệ thuật của thanh, thiếu nhi. Hầu hết thanh niên ý thức rõ trách nhiệm với quê hương đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường phát triển đất nước; tự hào dân tộc, sống vì cộng đồng… Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng, xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sống thực dụng, lười học tập, lao động… Trong xu thế bùng nổ công nghệ thông tin, việc tiếp cận các sản phẩm văn hóa độc hại rất dễ dàng và khó kiểm soát, dễ tác động đến tư tưởng, nhận thức của các tầng lớp nhân dân, trong đó có thanh, thiếu nhi. Từ đó, giới trẻ có nguy cơ dễ bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng, xa rời lý tưởng, dễ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…

Tuổi trẻ An Giang tích cực, xung kích trong phong trào khởi nghiệp

Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Thành Sĩ cho biết, công tác giáo dục đạo đức lối sống được triển khai thực hiện theo phương châm coi trọng việc xác định giá trị, tiêu chí, chuẩn mực trong hành vi, lối sống, ứng xử của cán bộ, đoàn viên, thanh, thiếu nhi. Các hoạt động hướng đến giáo dục thanh, thiếu nhi học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đoàn Thanh niên các cấp tiếp tục triển khai “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”. Tỉnh đoàn triển khai thực hiện cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội, nhằm định hướng cho cán bộ, đoàn viên, thanh, thiếu nhi hướng tới những giá trị cao đẹp, sống có lý tưởng, có hoài bão và vươn lên sống có ích. Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền những tin tốt, những câu chuyện đẹp để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn chủ động tổ chức nhiều hoạt động giáo dục về nếp sống mới, xây dựng các mô hình lễ cưới tập thể, lành mạnh, tiết kiệm; vận động đoàn viên, thanh, thiếu nhi tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu… Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội về nội dung, ý nghĩa ngày Quốc tế hạnh phúc, nhân rộng điển hình “Người tốt, việc tốt”; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình; thăm hỏi, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đồng bào sinh sống nơi biên giới, hải đảo.

Công tác tham gia xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tiếp sức học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được triển khai rất hiệu quả. Đoàn Thanh niên các cấp tích cực tham gia xây dựng môi trường xã hội lành mạnh để đoàn viên, thanh, thiếu niên tham gia các hoạt động văn hóa thông qua các chương trình, phong trào như: phát huy vai trò nêu gương của cán bộ Đoàn; phong trào “Tuổi trẻ An Giang tham gia xây dựng đô thị văn minh”; phong trào “3 trách nhiệm” gắn với xây dựng hình ảnh người cán bộ công chức trẻ năng động, sáng tạo, giỏi nghề, tận tụy; phong trào “Thanh niên tình nguyện”. Chương trình “Tiếp sức đến trường” được triển khai rộng khắp thông qua các nguồn quỹ khuyến học - khuyến tài, hỗ trợ sinh viên vay vốn học tập, trao tặng học phẩm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vận động học sinh bỏ học trở lại lớp…

Bài, ảnh: HỮU HUYNH