“Đi thăm cháu ngoại một vùa cà na”

10/03/2024 - 08:43

 - “… là xứ quê mùa/ Đi thăm cháu ngoại một vùa cà na”. Người ta có thể điền bất kỳ địa danh nào ở miền Tây vào dấu ba chấm. Nhưng đó là chuyện hồi xưa. Còn bây giờ, cà na là đặc sản "hốt bạc" cho nhà nông, được trồng, được nâng niu chăm sóc chẳng khác gì những loại cây trái cao cấp khác!

Nhắc tới cà na, là nhắc đến loại cây cho trái xum xuê vào mùa nước nổi. Ngày xưa, loại trái vừa chát vừa chua này rụng đầy kênh rạch, con nít cũng chê. Theo thời gian, cà na được ưa chuộng, chế biến thành nhiều món khác nhau. Nhờ vậy, nghề trồng cà na nở rộ, sẵn sàng cung cấp cho thị trường.

Được trồng nhiều nhất là cà na Thái, bởi cây có thể thích nghi với nhiều loại thổ nhưỡng, địa hình. Đặc biệt, chúng rất dễ trồng, dễ chăm sóc, cho trái quanh năm, chứ không chỉ xuất hiện vào duy nhất mùa nước nổi như cà na hoang dã ở miền Tây.

Nếu chịu khó thu hoạch mỗi ngày, nông dân có “đồng ra đồng vô” tương đối ổn định. Giá cả thị trường đôi lúc bấp bênh, khi bạn hàng mua thấp 5.000 đồng/kg. Nhưng cũng có khi hút hàng, cà na nhảy lên 20.000 đồng/kg tại vườn. Còn hiện giờ, chúng dao động từ 9.000 – 10.000 đồng/kg.

Những trái cà na to ụ, căng tròn này rất chua, nhưng không chát bằng cà na hoang dã. Chúng được trải qua nhiều công đoạn chế biến, trở thành món đặc sản yêu thích: Cà na đập dập cay cay, chua chua; cà na ngào đường ngọt như mứt. Sau này còn có rượu cà na lạ miệng.

Bà Lê Thị Dung chọn cà na để phát triển kinh tế gia đình. Bà thuê vườn cà na 22 công ở ấp Cây Châm, xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang). Sau mấy năm chăm sóc, 1.000 gốc cà na mang lại “quả ngọt” cho gia đình bà.

Hàng ngày, các thành viên trong gia đình chia nhau đi khắp vườn, thu hoạch tổng cộng 100kg cà na, mang về chờ thương lái ghé mua. Trừ chi phí thuê nhân công, hao hụt, phân thuốc… mỗi ngày họ bỏ túi vài trăm ngàn đồng. Mức thu nhập này được coi là khá ở vùng biên giới Vĩnh Tế.

Mỗi bao cà na như thế này có trọng lượng hơn 30kg. Những hôm cà na chín rộ, bà Dung thuê thêm nhân công, thù lao 3.000 đồng/kg.

“Hồi trước, tôi làm thuê đủ nghề, vất vả lắm. Có tuổi rồi, ít ai thuê làm việc nặng. Nhờ vườn cà na mà cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn nhiều, không còn lo kiếm việc mưu sinh đắp đổi mỗi ngày” – bà Dung chia sẻ.

Ngày nào, gia đình bà cũng bưng về rất nhiều “vùa cà na”. Đối với nông dân sống vào nghề trồng cà na như bà, loại cây dân dã này thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, chứ không còn vô giá trị, rẻ bèo như trước!

GIA KHÁNH