“Hoạt động chất vấn là sự cảnh báo”

22/03/2022 - 06:46

 - Chất vấn luôn được xem là hoạt động đặc biệt quan trọng, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định tại phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV ngày 16-3 vừa qua: Chất vấn chính là sự cảnh báo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một vấn đề cần được lưu ý giải quyết, cũng là cơ hội để các Bộ trưởng thực hiện trách nhiệm giải trình, tạo sự đồng thuận xã hội.

Trách nhiệm từ nhiều phía

Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất cân nhắc và chọn 2 lĩnh vực đang “nóng”, đang được dư luận đặc biệt quan tâm, liên quan đến công thương, tài nguyên và môi trường. Đó là tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, giá xăng dầu; quản lý thị trường; lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19. Vấn đề quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; việc đẩy giá đất lên cao nhằm trục lợi cá nhân; xử lý chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải liên quan phòng, chống dịch COVID-19…

Việc lựa chọn nội dung chất vấn chiếm 50% thành công của phiên chất vấn, khi vừa có tính thời sự, cấp bách, vừa mang tính quan trọng cơ bản và lâu dài. Được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối 62 điểm cầu trên toàn quốc, phiên chất vấn tạo được sự tương tác, đối thoại trực tiếp giữa người hỏi và người trả lời, thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, tận dụng từng phút, với 80 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký chất vấn (35 đại biểu chất vấn lĩnh vực công thương và 45 đại biểu chất vấn lĩnh vực tài nguyên và môi trường); trong đó có 48 đại biểu trực tiếp tham gia chất vấn và 10 đại biểu tranh luận để làm rõ hơn các vấn đề. Các câu chất vấn của ĐBQH phản ánh thay tiếng lòng của cử tri. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương chất vấn: “Có ý kiến đề nghị Bộ Công thương cần thay đổi cách điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng nghĩ như thế nào, giải pháp căn cơ của Bộ Công Thương là gì? Mặt khác, câu chuyện ùn ứ hàng hóa xuất khẩu ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc “đến hẹn lại lên”, lặp đi lặp lại một vòng lẩn quẩn, khiến đời sống và sản xuất của nông dân cả nước đã vất vả, càng thêm bất an. Vẫn biết việc chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch cần có lộ trình, giải pháp căn cơ. Vậy lộ trình này được triển khai như thế nào? Sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời gian qua đã thật sự hiệu quả chưa?”.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, các Bộ trưởng, trưởng ngành thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cầu thị, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách; thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề ĐBQH nêu, trong đó có những vấn đề dân sinh bức xúc, tồn tại nhiều năm. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. ĐBQH thể hiện tinh thần trách nhiệm trước cử tri, nghiên cứu kỹ tài liệu, nắm chắc vấn đề, đặc biệt là các vấn đề dư luận và cử tri quan tâm, bám sát thực tiễn địa phương và lĩnh vực được chất vấn để đặt câu hỏi và tranh luận có chất lượng.

Chất vấn chỉ là khởi đầu

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh chia sẻ: “Trước phiên chất vấn, đoàn đã thu thập ý kiến cử tri, nhận trọng trách tham gia chất vấn 2 Bộ trưởng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời lần thứ 2 một cách rõ ràng, cụ thể nội dung chất vấn của ĐBQH tỉnh An Giang. Hiện nay, kinh tế tỉnh An Giang đang trên đà hồi phục, phát triển mạnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, lưu thông hàng hóa, xuất khẩu qua biên giới. Do đó, giải đáp của các Bộ trưởng phần nào tháo gỡ bức xúc, điểm nghẽn của nền kinh tế An Giang”.

Phiên chất vấn kết thúc, để mở đầu hàng loạt “việc cần làm”. Đối với lĩnh vực công thương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ xây dựng kịch bản đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, đảm bảo cung cầu về giá xăng dầu trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh nào. Phải có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn bằng kịch bản cụ thể, bởi cân đối năng lượng, nhất là xăng dầu là vấn đề hệ trọng đối với quốc kế dân sinh, quốc phòng - an ninh, ổn định xã hội, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới và nguồn cung trong nước gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, cần có giải pháp tổng thể, căn cơ, đảm bảo an ninh năng lượng từ trong nước. Bên cạnh đó, cần có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nhất là mặt hàng nông sản; có chính sách thúc đẩy nhanh, mạnh và cam kết theo lộ trình rất cụ thể để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu hàng hóa chính ngạch.

Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, cần nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các pháp luật có liên quan, để khắc phục vướng mắc, hạn chế, bất cập hiện nay. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất, các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng: “Kết quả của phiên chất vấn, trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV sẽ tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới. Cùng với chính sách mới được ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kỳ vọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025. Đất nước sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đời sống của người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của nhân dân sẽ ngày càng được củng cố vững chắc”.

GIA MINH