Trong Luận cương Chính trị đầu tiên, Đảng ta khẳng định sự tất yếu phải tổ chức ra quân đội công nông để giành chính quyền. Nhiều năm liên tiếp, Đội tự vệ đỏ (xích đỏ), Đội du kích Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ, đội du kích Ba Tơ, đội Du kích Pắc Bó, Cứu Quốc quân... lần lượt ra đời. Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào đấu tranh vũ trang đòi hỏi phải có đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc. Tháng 12/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Vỏn vẹn 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội, vừa ra quân đã chiến thắng trận Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống “đánh là chắc thắng, thắng ngay từ trận đầu” của quân đội ta.
Năm 1950, tên gọi Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức được sử dụng. Quân đội ta vừa xây dựng, vừa chiến đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ chống thù trong, giặc ngoài, góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền nhân dân sau Cách mạng Tháng Tám (1945 - 1946). Tháng 12/1953, quân và dân ta đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch.
Sau tháng 7/1954, Quân đội ta là “trụ cột bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”. Nhiệm vụ và phương châm lúc này là “Tích cực xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại”. Từ năm 1961 - 1965, Quân đội ta cùng đồng bào miền Nam đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta bước sang giai đoạn mới. Từ 1965 đến 1968, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ bị đánh bại.
Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh. Hơn 1 triệu quân của chế độ Việt Nam Cộng hòa, cả bộ máy ngụy quân, ngụy quyền địch bị đập tan, chế độ thực dân mới (được Mỹ dốc sức xây dựng hơn 20 năm với 5 đời tổng thống) hoàn toàn sụp đổ. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam cả về tổ chức lực lượng lẫn trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Lịch sử ghi nhận công lao to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống Nhân dân; cùng toàn dân đánh thắng cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Đồng thời, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước trong gần 40 năm đổi mới. Đó là, quân đội đã nắm chắc, dự báo đúng tình hình liên quan đến quốc phòng - an ninh; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; ra Nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Lực lượng tham mưu đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, đúng đắn tình huống phức tạp, vấn đề nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, trong quan hệ đối nội và đối ngoại; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quan hệ tốt với các nước láng giềng.
Từ 34 chiến sĩ trong Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Quân đội ta ngày càng trưởng thành vững mạnh, hoàn thiện về cơ cấu, có sức mạnh tổng hợp, với quân chủng, binh chủng hiện đại, binh đoàn chủ lực cơ động mạnh, đủ khả năng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Đó là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội, các LLVT nói riêng và của dân tộc ta nói chung, cần phải được gìn giữ, phát huy ở thời kỳ mới.
Ra đời sau Quân đội nhân dân 1 năm, LLVT tỉnh An Giang cũng trưởng thành suốt chặng đường 78 năm (26/8/1945 - 26/8/2023). Khi nhắc đến truyền thống, chiến công hào hùng của LLVT tỉnh, không thể quên kỳ tích: Trận Chân Đùng - Cái Hố (7/1947), trận đánh tàu trên sông Sở Thượng (4/1949), trận cầu sắt Vĩnh Thông (6/1949), chiến dịch Long Châu Hà I (1950), chiến dịch Long Châu Hà II (1951)… góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Hay trận quyết chiến 128 ngày đêm (từ ngày 7/11/1968 đến 23/2/1969) tại đồi Tức Dụp, núi Cô Tô (huyện Tri Tôn). Chiến thắng ấy gây nên nỗi kinh hoàng, sợ hãi của “Lầu năm góc”, nhiều tướng, tá Mỹ - Ngụy lúc bấy giờ; chiến thắng đã trở thành biểu tượng lịch sử sáng ngời của quân - dân An Giang với 8 chữ vàng “Kiên cường, bám trụ, giữ vững Núi Tô”.
Từ thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, Nhân dân và LLVT tỉnh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 2000); Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 khen tặng 8 chữ vàng “Chiến đấu anh hùng, xây dựng sáng tạo”.
“Tự hào phát huy truyền thống, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã lãnh, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh ra sức thi đua thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quân sự quốc phòng, phong trào thi đua quyết thắng hàng năm. Tiêu biểu như: Công tác xây dựng lực lượng, xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ đạt nhiều kết quả quan trọng; đảm bảo số lượng, chất lượng chỉ tiêu công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, tuyển sinh quân sự; phổ biến giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh đạt và vượt chỉ tiêu; công tác an sinh xã hội, tham gia phong trào “LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, “LLVT tỉnh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” với nhiều công trình, phần việc ý nghĩa thiết thực, hiệu quả. Công tác chính sách hậu phương quân đội, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thường xuyên được quan tâm, góp phần tô thắm thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, được cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân tin yêu” - đại tá Thạch Thanh Tú, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang bày tỏ.
GIA KHÁNH