“Nóng, lạnh” thị trường trái cây xuất khẩu

10/06/2022 - 05:46

Những năm qua, xuất khẩu trái cây trên địa bàn tỉnh đã mang về cho doanh nghiệp, nông dân hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhất là đối với các loại trái cây, như: Xoài, mít, nhãn, sầu riêng… Tuy nhiên, người sản xuất vẫn chưa thể yên tâm khi thị trường còn “nóng, lạnh”.

Sau thời gian rớt giá mạnh, xoài cát Hòa Lộc hiện được thương lái thu mua tại vườn với giá 25.000 đồng/kg

Gần đây, phong trào chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái rầm rộ. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 31.000ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái, trong đó chỉ riêng cây mít, chuối, xoài, nhãn, sầu riêng và các loại cây có múi hơn 14.200ha.

“Chúng tôi mạnh dạn chuyển đổi là vì tính hiệu quả trong thời gian đầu. Ở huyện Chợ Mới này, đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại rau ăn lá, lợi nhuận bình quân 120-150 triệu đồng/ha/năm; trồng xoài tượng da xanh, bưởi đạt 500-800 triệu đồng/ha (sau 3 năm). Nhà này thấy nhà kia làm hiệu quả nên làm theo” - ông Trần Văn Nam (nông dân xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) chia sẻ.

 Đi đầu trong việc chuyển đổi, trước hết phải nói đến sự năng động, kịp thời nắm bắt thị trường của nông dân huyện Chợ Mới, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, TX. Tân Châu… Nếu huyện Chợ Mới có xoài tượng da xanh (xoài 3 màu) thì TX. Tân Châu và huyện An Phú có xoài keo, bưởi; huyện Tịnh Biên, Tri Tôn có xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, bơ; huyện Châu Phú có mít, sầu riêng, nhãn...

Tuy nhiên, do diện tích phát triển quá nhanh trong khi thị trường xuất khẩu hạn hẹp, trong đó các loại mít, sầu riêng, xoài, nhãn phần lớn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Khi nước này hạn chế nhập khẩu, chỉ trong một thời gian ngắn, giá cả các loại trái cây nhanh chóng rớt dưới giá thành sản xuất. Sầu riêng Ri 6 là một điển hình.

“Những năm thị trường Trung Quốc nhập khẩu mạnh, chúng tôi tìm đến các nhà vườn mua sầu riêng với giá 65.000 đồng/kg. Giờ thị trường Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, giá bán tại vườn không đến 30.000 đồng/kg. Xuất khẩu không được, tôi chở đi bán cho người đi đường, giá chỉ có 40.000 đồng/kg, mỗi trái cân nặng từ 2kg trở lên. Đây là sầu riêng loại 1 trong xuất khẩu trước đây” - chị Nguyễn Thị Lan (tiểu thương bán sầu riêng trên Quốc lộ 91) bộc bạch.

Theo dõi thị trường xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc những năm gần đây cho thấy, vào những năm 2016, 2017, ngoài trái sầu riêng, mít, thị trường này tiêu thụ rất mạnh trái xoài keo, xoài tượng da xanh. Thời điểm đó, xoài tượng da xanh (bao vàng hoặc bao xanh) có giá lên đến 35.000 đồng/kg. Với 1ha xoài, nông dân xã Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới) thu về cả tỷ đồng. Từ đó, phong trào chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xoài được đẩy mạnh. Diện tích trồng cây ăn trái phát triển nhanh, trong khi thị trường chưa đa dạng, dẫn đến nhiều hệ lụy.

3 năm qua, khi Trung Quốc đeo đuổi chính sách “Zero COVID”, hàng loạt mặt hàng trái cây giảm giá mạnh, nông dân gặp khó. Sự “nóng, lạnh” của thị trường trái cây xuất khẩu đã làm 600ha xoài của Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) gặp khó. Khi chưa thành lập HTX, giá xoài cát Hòa Lộc (loại 1) mua tại vườn 45.000 đồng/kg. Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa rồi, giá rớt xuống còn 12.000 đồng/kg. Hiện nay, chuẩn bị vào vụ thu hoạch (đầu vụ), xoài cát Hòa Lộc tăng lên 25.000 đồng/kg. “Giá xoài tăng, giảm bất thường làm hiệu quả sản xuất của người trồng xoài không đạt như mong muốn, yếu tố thị trường đang gây bất lợi cho việc vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác” - Giám đốc HTX trồng cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc Huỳnh Văn Hiệp thông tin.

Khắc phục tình trạng “nóng, lạnh” của thị trường trái cây xuất khẩu lẫn nội địa, tỉnh cùng các địa phương tiến hành quy hoạch lại các vùng trồng cây ăn trái, đẩy mạnh tìm kiếm đối tác, thị trường tiêu thụ để giảm bớt khó khăn cho nông dân. Đồng thời, vận động những người làm cùng ngành hàng đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình tổ hợp tác hoặc HTX kiểu mới. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất theo hình thức hợp tác, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị để xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

“Ngành nông nghiệp đang kết hợp với Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đối với cây ăn trái, tỉnh sẽ phát triển theo hướng xây dựng vùng trồng mang tính hàng hóa lớn, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP tại các vùng trồng đồng bằng. Phát triển cây ăn trái đặc sản theo hướng hữu cơ tại các vùng sản xuất cây ăn trái địa hình cao. Tiếp tục kêu gọi nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác, để đầu ra cho sản phẩm được tiêu thụ một cách tốt nhất” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm nhấn mạnh.

MINH HIỂN