“Thợ may đường phố”

02/01/2024 - 06:09

 -  Tết đến, dịch vụ sửa quần áo rất hút khách. Chỉ cần biết may vá, cùng dụng cụ “hành nghề” như chiếc máy may, kim, chỉ, thước dây, kéo… là những “thợ may đường phố” có thể trang trải được cuộc sống.

Tiếng máy may chạy rè rè, đều đều trở thành thứ âm thanh quen thuộc của nhiều người sống gần “thợ may đường phố”. Mặc kệ dòng người nô nức, nhộn nhịp xuống phố, bỏ qua tiếng còi xe inh ỏi, những người thợ may vẫn cần mẫn làm việc bên cuộn chỉ đầy màu sắc, mớ quần áo chất đầy quanh mình. Thỉnh thoảng, họ đưa mắt nhìn sang người bên cạnh, hỏi tình hình khách hôm nay thế nào. Sự quan tâm dù nhỏ, nhưng cho thấy họ khá tình cảm, luôn hỗ trợ nhau giữa nhịp sống hối hả, bộn bề. 

Con đường Trần Bình Trọng (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) là nơi tập trung khá nhiều “thợ may đường phố”. Từ sáng sớm, họ dọn dẹp bàn máy may gọn gàng, bắt đầu chờ khách. Nếu không có họ, hẳn nhiều người sẽ “khổ” vì không biết xử lý trang phục không mặc vừa, bị hư khóa kéo, mất nút… như thế nào.

“Áo quần cũ, thậm chí mới mua từ cửa hàng, tôi cũng phải chỉnh sửa cho vừa ý. Những thợ may ngồi bên đường nhận sửa quần áo các loại, từ quần jeans, quần kaki, áo thun, sơ-mi, đến các loại phức tạp như váy, đầm, áo dài… khá lành nghề, khéo léo” - chị Phan Thảo (ngụ phường Bình Khánh) chờ lấy chiếc đầm gửi sửa, bộc bạch.

“Thợ may đường phố” với dụng cụ “hành nghề” đơn giản

Hơn 10 năm bám trụ với nghề, chị Mỹ Tiên ngại ngùng chia sẻ: “Tầm 7 - 8 giờ sáng, tôi đã nhận khách đến sửa đồ, xế chiều mới trở về nhà. Công việc này khá nhẹ nhàng, nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Sửa không khéo, có thể không đẹp hoặc không vừa ý khách hàng, thậm chí hư đồ khách. Không thể làm giàu từ nghề này, nhưng đủ sống. Lên lai quần, dằn chỉ, thay khóa kéo, bóp eo… có giá vài chục ngàn đồng. Sửa những chi tiết đơn giản, khách chờ lấy liền, còn sửa phức tạp hơn thì phải đợi vài tiếng hoặc 1 - 2 ngày mới xong”.

Buổi trưa tan tầm, không ít lần tôi gặp những “thợ may đường phố” ăn vội hộp cơm, khép mắt hờ trong giấc ngủ trưa ngắn ngủi. Qua tìm hiểu, đa số không có vốn mở tiệm, hoặc vì lớn tuổi, không thể đi làm công nhân may cho công ty. Họ chuẩn bị bàn máy may, kéo, chỉ, thước... tìm một góc nào đó gần chợ, lề đường - nơi có nhiều cửa hàng bán quần áo - là có thể mưu sinh.

“Không biết may quần áo, nhưng sửa quần áo thì tôi rất rành. Với kinh nghiệm nhiều năm, nhìn qua, tôi biết phải sửa món đồ đó như thế nào. Tôi vẫn thích ngồi sửa quần áo lề đường hơn xin vào công ty, vì chủ động được thời gian riêng mình” - chị Mỹ Tiên bộc bạch.

Bất kỳ vị khách nào ghé qua đều được các “thợ may” đo đạc, hỏi kỹ yêu cầu, tư vấn thêm về kiểu dáng trang phục phù hợp gu thẩm mỹ, dáng từng người. Không chỉ sửa lại quần áo, dưới bàn tay khéo léo, miệt mài, họ còn có thể “biến cũ thành mới”.

"Tôi có “mối” quen sửa quần áo ở chợ Mỹ Bình. Không chỉ nhờ bóp eo, nới rộng, thay nút, mà tôi còn mang vài chiếc đầm cũ để thợ tư vấn cắt ngắn, thêm chút hoa văn tạo điểm nhấn. Vậy là, sau vài ngày, chiếc đầm cũ đã thành đầm mới. Hay những chiếc áo bị rách, nhờ đôi tay thuần thục của người thợ, đường khâu vá ẩn rất kỹ” - chị Yến Nhi (ngụ phường Bình Khánh) nói. 

“Những ngày gần Tết, nhu cầu khách cần sửa đồ rất nhiều. Chúng tôi vì vậy có thêm đồng vô đồng ra, trang trải cuộc sống, đón Tết ấm cúng hơn. Dù rất cần khách, nhưng với những yêu cầu khó, phải chỉnh sửa công phu, kỳ công, tôi thường từ chối để không mất uy tín tay nghề. Nhanh, đẹp, rẻ là tiêu chí khách hàng cần khi tìm đến thợ sửa đồ như chúng tôi. Chọn vị trí gần Trường Đại học An Giang giúp tôi thu hút lượng khách hàng là sinh viên” - chị Mỹ Tiên chia sẻ thêm.

Nghề sửa quần áo đường phố ít vốn, lấy công làm lời và có khách quanh năm, giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ổn định thu nhập. Chỉ cần chịu thương, chịu khó, nhiều “thợ may đường phố” gắn bó lâu dài với nghề.

PHƯƠNG LAN