An Giang: Cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân tốt hơn

04/03/2020 - 07:33

 - Năm 2019, An Giang đã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính (CCHC), góp phần xây dựng nền hành chính từng bước hiện đại, thông suốt, chất lượng phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả nổi bật, thủ tục hành chính (TTHC) được đơn giản hóa, giải quyết nhanh chóng, chính xác, đúng quy định, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền. Tỉnh tăng cường cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 qua mạng internet, qua dịch vụ bưu chính, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh An Giang. Các cơ quan, ban, ngành và các địa phương đã hoàn thành 67/67 nhiệm vụ trên 8 lĩnh vực trọng tâm.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Long Hồ cho biết, tỉnh đã thực hiện tốt quy định giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả UBND cấp huyện, xã. Công tác cải cách tổ chức bộ máy của tỉnh được triển khai thực hiện tốt theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Bộ Chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tỉnh sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong của 20 sở, ban, ngành và tương đương, giảm 29 phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc; giảm 18 trưởng phòng và 16 phó trưởng phòng. Đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất giảm 74 đơn vị sự nghiệp so với năm 2015. Đồng thời, xây dựng và nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ đội ngũ cán bộ, công chức.

Tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức tạo sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin được các ngành, các cấp triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, thông suốt. Hoàn thành thực hiện kết nối liên thông giữa hệ thống “một cửa điện tử” của tỉnh với phần mềm quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành Trung ương.

Ông Hồ cho biết, nhiều công trình trụ sở làm việc của cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện, trụ sở UBND cấp xã được đầu tư xây dựng mới; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp được quan tâm, đầu tư, cơ bản đáp ứng theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN.

Thông tin tuyên truyền CCHC, hoạt động quản lý nhà nước và các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định, pháp luật của nhà nước được thực hiện thường xuyên, đa dạng hình thức. Ngoài các kênh thông tin đại chúng phổ biến, còn tuyên truyền trên các trang mạng xã hội như: zalo, facebook và kênh video youtube… thu hút đông đảo người dân quan tâm, tìm hiểu.

Một số địa phương triển khai mô hình, cách làm mới sáng tạo, hiệu quả như: TP. Châu Đốc thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tại nhà không thu phí thông qua dịch vụ bưu chính công ích (được hỗ trợ chi phí). Huyện An Phú thực hiện CCHC bắt đầu từ sự hài lòng của người dân và DN. Ứng dụng chatbot để hỗ trợ, giải đáp TTHC cho người dân và DN. Ngành giáo dục và đào tạo thực hiện đơn giản hóa thủ tục chuyển trường đối với học sinh THPT… tạo sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước.

Với mong muốn xây dựng chính quyền điện tử tỉnh An Giang kiến tạo, phát triển, lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy CCHC. Hiện, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp toàn bộ số lượng TTHC của tỉnh: 2.754 dịch vụ; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn 97%.

Thực hiện Chính phủ điện tử, đến nay 100% TTHC của các sở, ngành, huyện, xã đã được đưa vào hệ thống thông tin “một cửa điện tử” tỉnh để xử lý hồ sơ qua mạng. 187/87 cơ quan nhà nước đã triển khai hệ thống “một cửa điện tử”. Với nhiều giải pháp CCHC hiệu quả, năm 2019 An Giang đã thu hút 62 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 15.531 tỷ đồng.

Để tiếp tục đẩy mạnh, triển khai và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở Nội vụ phối hợp tăng cường tuyên truyền hoạt động CCHC; tìm kiếm mô hình, sáng kiến mới áp dụng nâng cao hiệu quả CCHC của tỉnh. Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong kiểm tra, giám sát, chấp hành kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý điều hành cơ quan hành chính các cấp. Phấn đấu 100% TTHC thực hiện mức độ 3, 80% TTHC thực hiện đạt mức độ 4, kết hợp với nhận và trả kết quả TTHC đến tận nhà theo yêu cầu người dân; thực hiện tốt mô hình “4 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; triển khai nhanh phòng học trực tuyến đưa vào hoạt động trong quý II-2020. Tiếp tục nâng cao hoạt động giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

“Chủ động thực hiện các giải pháp nhằm duy trì, nâng cao thứ hạng của tỉnh An Giang qua đánh giá, xếp hạng hàng năm của các chỉ số: CCHC (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS)” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

HẠNH CHÂU