An Giang đa dạng chương trình hỗ trợ người nghèo

25/07/2023 - 06:44

 - Với nỗ lực của các cấp, ngành, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và giảm nghèo đã thực sự lan tỏa và được nhân dân, nhất là đồng bào nghèo phấn khởi đón nhận, thực hiện. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con không ngừng được cải thiện và nâng lên, góp phần phát triển KTXH địa phương.

Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang thành lập năm 2009 với chức năng đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, nhất là ở 2 địa phương miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn, với các cấp trình độ: Trung cấp, sơ cấp, dạy nghề thường xuyên. Hiện, trường có 16 nghề đào tạo trình độ trung cấp, 5 nghề đào tạo sơ cấp, hơn 20 nghề đào tạo thường xuyên (dưới 3 tháng) thuộc các lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ, du lịch, nông nghiệp…

Thông qua các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giúp quảng bá hình ảnh nhà trường, để học sinh các lớp cuối cấp THCS tham gia các hoạt động hướng nghiệp, được tiếp cận các thiết bị, học tập, trải nghiệm như học viên của trường. Nhất là, nhờ được đầu tư vốn giúp trường mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo công tác giảng dạy, giúp người học có thêm điều kiện rèn nghề và tiếp cận công nghệ hiện đại…

Khám bệnh cho người nghèo

Trong 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, duy nhất Tri Tôn là huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, huyện Tri Tôn đã được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KTXH liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu (các công trình đường giao thông).

Đang xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn. Hỗ trợ người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ dân trên địa bàn huyện được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Đã triển khai hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững…

An Giang đã giảm được 5.257 hộ nghèo và 6.918 hộ cận nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo quốc gia so năm 2022. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh dự kiến giảm 1 - 1,2%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3 - 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2%/năm.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang, 7 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021 - 2025) được triển khai theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện KTXH của địa phương và do các hộ dân (cộng đồng) đề xuất trên cơ sở khả năng, nhu cầu và điều kiện thực tế của các hộ tham gia, từ đó góp phần vào thành công các dự án.

Đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sản xuất nông nghiệp 

Việc thực hiện từng chính sách giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ y tế: Thực hiện hỗ trợ và cấp 221.963 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc diện nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, người dân thuộc vùng đặc biệt khó khăn theo quy định. Chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 7.101 người. Giải quyết cho 11.498 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả trên 195,8 tỷ đồng.

Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho 21.552 người. Tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm và 213 cụm, điểm tư vấn kết nối việc làm cho người lao động tại 9 địa phương trong tỉnh, với 263 lượt doanh nghiệp tham dự (90 trực tiếp, 173 trực tuyến), thu hút 8.648 lao động tham dự.

Toàn tỉnh có 195 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó: Nhật Bản (129 lao động), Đài Loan (51), Hàn Quốc (8), Ba Lan (2), Mỹ (1), Hồng Kong (2)... Chính sách hỗ trợ giáo dục: Thực hiện miễn giảm học phí và các chi phí khác cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách người có công, dân tộc thiểu số. Chính sách hỗ trợ tiền điện sinh hoạt: Năm 2021 hỗ trợ 8.165 hộ nghèo; năm 2022 hỗ trợ 20.129 hộ nghèo; năm 2023 hỗ trợ 14.872 hộ nghèo...

Thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng xã hội hỗ trợ giảm nghèo: Năm 2021, doanh số cho vay 957 tỷ đồng, với 30.376 lượt khách hàng vay vốn; năm 2022, doanh số cho vay hơn 1.257 tỷ đồng, với 36.047 lượt hộ được vay vốn. Trong 4 tháng đầu năm 2023, giải ngân 234 tỷ đồng cho vay 3.459 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và học sinh, sinh viên; ước đến cuối năm 2023 giải ngân 697,2 tỷ đồng.

Mục tiêu tổng quát thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống…

HỮU HUYNH