An Giang đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân năm 2021

21/01/2021 - 03:01

 - Hiện nay, các ngành chức năng đang tập trung thực hiện công tác kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2021 giúp người dân vui Xuân, đón Tết an toàn, bảo đảm sức khỏe.

Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần và sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước. Riêng ở địa bàn tỉnh An Giang, sau Tết Nguyên đán bắt đầu vào cao điểm mùa lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Đây là thời điểm mà nguồn thực phẩm được tiêu thụ lớn nhất trong năm, nhất là các loại thực phẩm, như: thịt, cá, trứng, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu…

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) thực phẩm trong tỉnh đã gia tăng hoạt động SXKD, nhập khẩu các mặt hàng cần thiết để chuẩn bị cho mùa “làm ăn” lớn nhất trong năm. Ngoài ra, thời gian này do tình hình thời tiết thường nắng nóng gay gắt nên ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Nhằm giúp người dân được vui Xuân, đón Tết an toàn, đảm bảo sức khỏe, đồng thời đảm bảo sự phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở SXKD và xuất, nhập khẩu thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch triển khai bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021 với nhiều nội dung trọng tâm. Trong đó, tập trung thực hiện các biện pháp thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm đến người tiêu dùng, người nội trợ; người SXKD, chế biến thực phẩm…

Cụ thể, đối với người SXKD, chế biến thực phẩm, ngành chức năng sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định về Luật An toàn thực phẩm; các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong SXKD, chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, còn tuyên truyền việc dùng những nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; việc sử dụng các chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định… Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các mô hình SXKD, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất....

Đối với người tiêu dùng, ngành chức năng sẽ hướng dẫn cách chọn mua thực phẩm an toàn; cách đọc nhãn mác sản phẩm thực phẩm; cách chế biến thực phẩm an toàn… Ngoài ra, còn nhắc nhở người dân không mua thực phẩm tại các cơ sở SXKD mất vệ sinh; thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Đặc biệt là không nên mua sắm, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc bị mốc hỏng. Kịp thời công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân vi phạm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; thông tin danh sách, địa chỉ SXKD thực phẩm an toàn…

Đối với chính quyền các cấp, các nhà quản lý, trong thời gian diễn ra các hoạt động đón Tết, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh An Giang sẽ phối hợp các ngành chức năng tuyên truyền các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, các văn bản liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm. Đưa tin kịp thời về các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; công tác thanh, kiểm tra trên địa bàn…

Cùng với các hoạt động tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh An Giang sẽ tăng cường thanh tra các cơ sở SXKD, chế biến, nhập khẩu thực phẩm… Theo đó, ngành chức năng sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các đơn vị. Trong đó, chú trọng kiểm tra về điều kiện của cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm. Ngoài ra, còn kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ; đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm; ghi nhãn; quảng cáo; lấy mẫu kiểm nghiệm…

Khi phát hiện các trường hợp vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác về an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Đồng thời, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm việc quảng cáo thực phẩm vi phạm. Không để các cơ sở SXKD thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện sửa chữa, khắc phục đạt yêu cầu…

ĐÌNH ĐỨC