An Giang đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa

13/12/2021 - 06:12

 - Toàn tỉnh có hơn 350 doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp; 100% DN đã hoạt động trở lại, tăng công suất từ 50-70%. Lực lượng công nhân được ưu tiên tiêm vaccine, tạo thuận lợi cho các DN hoạt động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, đảm bảo cung ứng hàng hóa.

Hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu thị trường

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, đã chỉ đạo các cơ sở kinh doanh, DN có giải pháp đảm bảo không để lây lan dịch bệnh trong quá trình lưu thông hàng hóa; rà soát tổng thể công tác tái đàn, tái sản xuất, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động hướng dẫn, phối hợp các địa phương hỗ trợ DN, người dân, tạo điều kiện, đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa. Từng địa phương phải có giải pháp cụ thể duy trì sản xuất, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất. Rà soát những loại nông sản đến kỳ thu hoạch để tiêu thụ trong nội địa kết hợp xuất khẩu hàng hóa; ưu tiên phân bổ vaccine cho các DN chế biến, sản xuất nông, lâm, thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm để đảm bảo không đứt gãy cung ứng hàng hóa…

Toàn tỉnh hiện có 201/203 chợ, 7/7 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và 75/75 cửa hàng tiện ích đang mở cửa hoạt động, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Qua khảo sát cho thấy, nguồn hàng tại các chợ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích dồi dào, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu người dân. Giá cả hàng hóa duy trì ổn định, ít biến động. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng, việc áp dụng các biện pháp hạn chế người dân ra đường vào ban đêm, cơ sở kinh doanh ăn uống không phục vụ tại chỗ đã ảnh hưởng đến doanh thu thương mại, dịch vụ. Người dân thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm hơn so với bình thường, chỉ mua sắm các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, hạn chế mua sắm các mặt hàng không thiết yếu…

Phó Giám đốc Sở Công thương An Giang Trần Thanh Tâm cho biết: Đơn vị đã hướng dẫn tạm thời về hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, gồm: Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống và các cơ sở kinh doanh khác trên địa bàn tỉnh theo 4 cấp độ dịch. Đồng thời, đã chủ động hỗ trợ các hoạt động kết nối cung cầu lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại...

Doanh nghiệp hoạt động đảm bảo sản xuất an toàn, phòng, chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Sở Công thương đã chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương rà soát các sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh có nhu cầu cần hỗ trợ tiêu thụ, liên hệ các đơn vị liên quan, như: Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Tỉnh đoàn, Bưu điện An Giang, Viettel An Giang và hệ thống siêu thị (Co.opmart, Big C, Vinmart, Bách hóa xanh, MM Mega Market, Tứ Sơn...), trung tâm thương mại hỗ trợ kết nối và tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh.

Đến nay, Sở Công thương An Giang đã kết nối hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân trên 185 tấn nông, thủy sản các loại; giới thiệu các combo nông sản của tỉnh đến chương trình “Đi chợ hộ” của tỉnh Bình Dương; thông tin và hỗ trợ DN đăng ký kết nối mua bán sản phẩm trên Cổng thông tin “Đăng ký kết nối mua-bán nông sản, hàng hóa (https://htx.cooplink.com.vn/).

Bên cạnh đó, Sở Công thương thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất vụ thu đông năm 2021; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai kế hoạch về thực hiện nhiệm vụ tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa. Nhiều hình thức lưu thông hàng hóa thời dịch bệnh cũng phát huy hiệu quả như: Các hình thức đi chợ hộ, mua hàng combo; thương mại điện tử; bán hàng lưu động…

Ông Trần Thanh Tâm cho biết: “Thời gian qua, Sở Công thương đã đẩy mạnh chương trình bán hàng trực tuyến (online), giao hàng tận nơi và triển khai dịch vụ “Đi chợ hộ” giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn lương thực, thực phẩm mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Điển hình từ ngày 1-11 đến 15-11-2021, đã có gần 5.930 đơn hàng online, trị giá hơn 2,1 tỷ đồng. Tổng từ ngày 1-8 đến 15-11 có 109.287 đơn hàng online với doanh thu hơn 54,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính đến ngày 24-11-2021 có 650 shipper (người giao hàng) của 31 DN vận chuyển đang hoạt động trong toàn tỉnh (bao gồm bưu tá). Ngoài ra, có gần 2.000 shipper tự do hoạt động trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố, góp phần vận chuyển lưu thông hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong các thời điểm, kể cả lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp”.

Sở Công thương đã tích cực hỗ trợ DN về các thủ tục, cách tổ chức thực hiện, cách phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn trong sản xuất - kinh doanh thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.                    

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU