An Giang đẩy mạnh chuyển đổi số

29/10/2023 - 22:14

 - Chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích cho công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền, cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN) và đời sống, sản xuất - kinh doanh của người dân. Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang tập trung chỉ đạo các cấp, ngành chủ động phối hợp đẩy mạnh số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, triển khai cổng dữ liệu mở. Qua đó, phục vụ chính quyền, người dân và DN, từng bước hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh.

 

Đại biểu tham quan triển lãm chuyển đổi số

Hội thảo về chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2023

Kết quả ấn tượng

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số” và Chương trình chuyển đổi số tỉnh được xác định là một trong 6 chương trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh.

Chương trình Chuyển đổi số tỉnh An Giang đề ra 15 chỉ tiêu cụ thể thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung 3 trụ cột chính về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện, cùng với 53 dự án, nhiệm vụ.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Quốc Cường cho biết: Chuyển đổi số là cơ hội để An Giang bức phá, vươn lên. Chính quyền số giúp nền hành chính tỉnh hoạt động hiệu quả, hiệu lực, minh bạch hơn. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, tăng năng suất lao động, tạo ra một hệ sinh thái DN phát triển bền vững. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân.

Qua 2 năm tổ chức triển khai thực hiện, tỉnh đã thành lập hơn 887 tổ công nghệ số cộng đồng tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố, với 6.517 thành viên. Đồng thời, tổ chức tập huấn và hướng dẫn cài đặt, sử dụng các nền tảng số bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp như tạo tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt, sổ sức khỏe điện tử, bảo hiểm xã hội (VssID)...

Đến nay, Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; Internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân trong tỉnh. 100% các khu công nghiệp, DN, trường học, bệnh viện có kết nối Internet phục vụ công tác quản lý, điều hành; 100% cơ quan nhà nước có mạng nội bộ (LAN) và được kết nối Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

An Giang triển khai xây dựng và hoàn thiện trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP). Việc xây dựng chính quyền điện tử tỉnh bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức. Hệ thống Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng (SOC) của tỉnh được cấu hình giám sát các hệ thống thông tin của tỉnh và kết nối với hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh cung cấp đầy đủ thông tin thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; cung cấp dịch vụ hành chính công (toàn bộ thủ tục hành chính của tỉnh) với 2.036 dịch vụ.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) An Giang đang vận hành thử nghiệm 10 lĩnh vực với 8 nhân sự tham gia tiếp nhận thông tin (lĩnh vực lưu trú đã chuyển sang Bộ Công an quản lý). Toàn tỉnh có 8/11 huyện, thị xã, thành phố đã ra mắt Trung tâm IOC cấp huyện. Các hệ thống này đã kết nối được một số hệ thống thông tin, dữ liệu khác nhau (kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế…) tại địa phương.

Trung tâm Điều hành thông minh IOC huyện Châu Thành

Người dân tra cứu thủ tục hành chính

Thúc đẩy phát triển

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, UBND tỉnh tổ chức triển lãm và hội thảo về chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2023, chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Triển lãm và hội thảo về chuyển đổi số tỉnh An Giang giới thiệu các giải pháp thúc đẩy phát triển, khai thác dữ liệu số trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh An Giang.

“Hội thảo là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của dữ liệu số trong chuyển đổi số, cũng như hiểu hơn về các giải pháp, cách thức xây dựng, phát triển dữ liệu số, để từ đó đưa ra chiến lược phát triển dữ liệu số của tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, chia sẻ các giải pháp triển khai chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; giải pháp tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thông qua các tham luận của các chuyên gia đến từ các đơn vị, DN có kinh nghiệm về giải pháp công nghệ và chuyển đổi số hiện nay…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

Để thực hiện đạt hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh, đồng chí Lê Văn Phước yêu cầu các cấp, ngành chủ động phối hợp đẩy mạnh số hóa, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; triển khai cổng dữ liệu mở phục vụ chính quyền, người dân và DN, từng bước hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. Đồng thời, tập trung rà soát, thực hiện cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu... Qua đó, từng bước nâng cao năng lực hoạt động của chính quyền các cấp, làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước được công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân và tổ chức trên địa bàn tỉnh An Giang…

TRUNG HIẾU