An Giang đẩy mạnh công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp

18/02/2021 - 06:58

 - Năm 2020, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cơ quan khối nội chính, công tác nội chính, phòng chống tham nhũng (PCTN) và cải cách tư pháp (CCTP) đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tiếp tục duy trì sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang; bảo đảm an toàn tuyệt đối Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VI.

Năm 2020, các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, triệt phá các băng nhóm, đường dây ma túy liên tỉnh. Cơ quan an ninh điều tra (Công an tỉnh) đã phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, khởi tố 2 vụ, liên quan 2 bị can; xử lý vi phạm, tội phạm đã thụ lý 1.262 vụ, liên quan 1.053 bị can. Công tác tiếp công dân được thực hiện nghiêm túc, giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, toàn tỉnh tổ chức tiếp 5.495 lượt công dân.

Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tư pháp và công tác tư pháp tiếp tục được nâng lên. Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo kiện toàn bộ máy, đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tư pháp, đặc biệt là cán bộ có chức danh tư pháp, từng bước đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ CCTP tại địa phương trong tình hình mới.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020

Công tác PCTN được các cấp ủy Đảng, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, có sự chuyển biến tích cực. Việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN được đẩy mạnh, đã tổ chức được 412 cuộc, với 16.975 lượt người tham dự; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai, việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các đơn vị được chấp hành theo quy định, đã triển khai 33 cuộc thanh tra trách nhiệm về PCTN tại 33 đơn vị. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về PCTN được tăng cường, đã tiến hành 25 cuộc thanh tra về quản lý và sử dụng tài chính ngân sách tại 25 đơn vị.

Kết quả, phát hiện 10/25 đơn vị có sai phạm, đã kiến nghị xử lý. Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đã quyết tâm, chủ động hơn trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời và ngăn ngừa các hành vi tham nhũng. Từ đó, công tác PCTN có những chuyển biến tích cực hơn; các ngành tư pháp đã tích cực điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng. Việc đẩy mạnh vai trò, trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh PCTN ngày càng thực chất hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nội chính, PCTN và CCTP vẫn còn một số hạn chế, như: việc triển khai các giải pháp thực hiện công tác PCTN còn lúng túng; công tác tham mưu, đề xuất xử lý cán bộ có dư luận không tốt chưa kiên quyết; giải quyết tranh chấp còn kéo dài dẫn đến bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đội ngũ làm công tác nội chính còn thiếu, năng lực chưa đồng đều, công tác phối hợp trong một số vụ việc chưa cao…

Tại hội nghị tổng kết công tác nội chính, PCTN và CCTP năm 2020, triển khai kế hoạch công tác năm 2021, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP tỉnh An Giang Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, năm 2021 - năm đầu của nhiệm kỳ mới, bối cảnh mới của thế giới, đất nước… đội ngũ cán bộ ngành nội chính cần sốc lại tinh thần, phát huy ý chí tiến công cao độ, thực hiện hiệu quả công tác nội chính, PCTN, CCTP, hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao hơn.

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh về lĩnh vực nội chính, PCTN, CCTP. Ngành nội chính làm nòng cốt trong công tác PCTN, xử lý tiêu cực trong xã hội, trong bộ máy một cách rốt ráo hơn; quan tâm thực hiện việc kiểm soát quyền lực, nhất là đối với những người có chức vụ, quyền hạn.

Có giải pháp kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm (buôn lậu, buôn bán ma túy, xâm nhập biên giới trái phép, tín dụng đen, tội phạm trên mạng…); đảm bảo an ninh truyền thống và phi truyền thống; phát huy tinh thần thượng tôn pháp luật, kết hợp hài hòa phát huy dân chủ và thượng tôn pháp luật cả trong hệ thống chính trị và nhân dân. Nâng cao chất lượng phối hợp hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Duy trì nền nếp và chủ động trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết các vụ việc tồn đọng…

Chủ động phối hợp nắm chắc tình hình, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2021-2026). Kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm, đảm bảo ổn định tình hình, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn cuộc sống của nhân dân.

THU THẢO