An Giang giải quyết tình trạng cửa hàng xăng dầu ngưng hoạt động

01/09/2022 - 07:57

 - Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng một số cửa hàng xăng dầu ngưng hoạt động, bằng cách treo bảng báo “hết xăng”, hoặc mở cửa bán hàng nhưng không còn xăng…

Thiếu nguồn cung, lỗ vốn

Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang Huỳnh Ngọc Hồ cho biết: “Ngày 26/8, khoảng 9-10 cửa hàng trên địa bàn huyện Tịnh Biên xuất hiện tình trạng này. Ở các huyện khác, như: Phú Tân, Chợ Mới, Châu Phú… cũng đóng cửa "rải rác".

Một số cửa hàng tạm ngưng hoạt động, doanh nghiệp (DN) có báo cáo Sở Công Thương. Qua kiểm tra, hầu hết nêu lý do thương nhân phân phối nhỏ giọt, dẫn đến thiếu nguồn cung. Cá biệt có một số chủ cửa hàng xăng dầu không mua được hàng từ nhà cung cấp. Họ kiến nghị Cục QLTT tỉnh, Sở Công Thương khẩn trương làm việc với DN đầu mối, thương nhân phân phối để tháo gỡ khó khăn này”.

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động tại các cửa hàng

Ngày 28/8, các Đội QLTT toàn tỉnh tổ chức giám sát 588 cơ sở bán lẻ xăng dầu. Trong đó, 5 cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty Cổ phần dầu khí Đại Đông Dương chi nhánh An Giang hiện tại đã hết xăng, dầu còn ít; các cửa hàng vẫn mở cửa hoạt động. Công ty ký hợp đồng với nhiều đầu mối cung cấp xăng dầu, nhưng vẫn chưa có nguồn hàng để phân phối. Ngoài ra, cửa hàng xăng dầu gặp khó vì càng bán càng lỗ.

Ông Võ Quang Minh (quản lý Tổng đại lý xăng dầu Huy Hoàng, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) cho biết: “Đầu mối Tổng Công ty thương mại XNK Thanh Lễ cung cấp sản lượng đầy đủ cho tổng đại lý với 5 cửa hàng trực thuộc và 10 đại lý ở An Giang, bán bình quân 30.000-40.000 lít/ngày. Từ đầu năm đến nay, hầu hết cây xăng hoạt động lỗ. Mức chiết khấu chỉ 200-300 đồng/lít, có khi 0 đồng/lít, nên bình quân lỗ 500 đồng/lít, một số cây xăng vốn ít phải đóng cửa...”.

Tương tự, bà Nguyễn Mỹ Dung (chủ cửa hàng xăng dầu - gas Mỹ Dung, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) cho biết: “Ngày 28/8, chúng tôi nghỉ buổi chiều do không còn xăng để bán. Cửa hàng xăng dầu gần đó đóng cửa, khách dồn về nên hơn 3.000 lít xăng dự trù bán hết chỉ trong buổi sáng, phải chờ “châm” hàng. Ngày 29/8 tôi nhận 3.000 lít để bán trong 3 ngày. Xăng mua giá bao nhiêu bán giá bấy nhiêu, không có lời, còn lỗ chi phí. Tình hình này nếu còn kéo dài, DN không chịu nổi”.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã 22 lần điều chỉnh. Khoảng 20 cửa hàng xăng dầu thông báo tạm ngừng kinh doanh gửi Sở Công Thương với lý do: Sức khỏe không đảm bảo, không có nhân viên, kinh doanh lỗ, sửa chữa trụ bơm…

Các lý do đưa ra chưa phù hợp theo quy định được tạm ngừng kinh doanh, nên Sở Công Thương chưa chấp thuận; ra quyết định thu hồi 6 giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu do DN không tiếp tục kinh doanh, hoặc chưa đảm bảo điều kiện theo quy định.

Nỗ lực vượt khó

Bà Nguyễn Thị Công (Cửa hàng trưởng Cửa hàng Điện Hiền xăng dầu 4, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành) cho biết: “Dù chịu áp lực, nhưng chúng tôi vẫn phục vụ bình thường, nguồn cung bình quân 1.000-2.000 lít/ngày. Mức hoa hồng xăng dầu 0 đồng/lít, càng bán càng lỗ. Nhưng vì nghề nghiệp và uy tín của Công ty TNHH MTV Điện Hiền, dù lỗ chúng tôi vẫn hoạt động”.

Với trách nhiệm DN nhà nước trong thực hiện vai trò bình ổn thị trường, 50 cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH MTV Xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) và 38 đại lý dù chịu áp lực, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động xuyên suốt, ổn định và phục vụ kịp thời người tiêu dùng.

Giám đốc Công ty Petrolimex An Giang Hồng Phong cho biết: “Chúng tôi đã tăng cường tạo nguồn từ các tổng kho tuyến trên để cung ứng đầy đủ nguồn xăng dầu theo tiến độ hợp đồng cho đại lý; kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng tại hệ thống cửa hàng xăng dầu trực thuộc. Đặc biệt, theo dõi, phát hiện các giao dịch bất thường, tuyệt đối không để xảy ra việc bán hàng cho đối tượng đầu cơ, gom hàng làm xáo trộn thị trường”.

Giám đốc Công ty Petrolimex An Giang kiến nghị: “Để hệ thống 586 cửa hàng xăng dầu bán lẻ toàn tỉnh hoạt động xuyên suốt, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường, đòi hỏi tất cả thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối trên địa bàn phải có trách nhiệm, thực hiện tốt việc cung ứng nguồn hàng cho hệ thống của mình. Nếu tình hình nguồn cung không đảm bảo, tiếp tục cung ứng nhỏ giọt hoặc cung ứng không kịp thời, thì nguy cơ mất cân đối cung - cầu và thiếu, đứt nguồn hàng cục bộ tại cửa hàng xăng dầu bán lẻ sẽ tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân”.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Sở Công Thương chỉ đạo thương nhân đầu mối, phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường tỉnh, nhất là dịp Quốc khánh 2/9; thường xuyên phối hợp Cục QLTT tỉnh, địa phương theo dõi sát tình hình hoạt động.

Hiện, các Đội QLTT đang tiếp tục giám sát, kiểm tra hệ thống cửa hàng xăng dầu; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp ngừng bán hàng, bán nhỏ giọt, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý…

Toàn tỉnh An Giang có 586 cửa hàng xăng dầu, 4 chi nhánh/công ty con thương nhân đầu mối xăng dầu (sản xuất, nhập khẩu xăng dầu) và 2 tổng đại lý. Ngoài ra, có 7 thương nhân phân phối xăng dầu trong tỉnh và 21 thương nhân phân phối xăng dầu ngoài tỉnh.

HẠNH CHÂU