An Giang hỗ trợ phát triển thị trường lao động

11/07/2022 - 06:59

 - Trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh An Giang đang phát triển mạnh về số lượng và quy mô, đẩy mạnh sản xuất trong tình hình mới, tỉnh đang quyết liệt triển khai các giải pháp đồng hành, hỗ trợ DN và người lao động (NLĐ) kết nối bền vững. Bằng các giải pháp phát triển thị trường lao động, tỉnh chủ động nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện Quyết định 176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; UBND tỉnh vừa ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Chương trình nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển KTXH, chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong tỉnh An Giang với các tỉnh, thành phố và thị trường lao động quốc tế.

Chương trình đề ra các nhóm mục tiêu, như: Tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; tạo việc làm tốt hơn cho NLĐ; giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo. Chương trình đồng thời hướng đến mục tiêu đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ; đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin.

Cụ thể, nâng tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,5% vào năm 2025 (đạt 39% vào năm 2030); tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 (đạt 90% năm 2030). Đến năm 2025, tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 3,5%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 dưới 35% (dưới 25% năm 2030); tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm đạt tối thiểu 6,5%.

Phát triển thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp

Chương trình còn phấn đấu giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%; duy trì tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45% vào năm 2025 (đạt 60% vào năm 2030), trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% vào năm 2025 và chiếm 5% vào năm 2030.

Phấn đấu đến năm 2025, có 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp THPT được hướng nghiệp, đến năm 2030 là 90%; 40% lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm (đến năm 2030 có 45%). Đến năm 2030, hệ thống thông tin thị trường lao động được hiện đại hóa, dữ liệu được liên thông với các tỉnh trong toàn quốc và mở rộng kết nối với thị trường quốc tế…

Để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra, UBND tỉnh An Giang giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện với nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại; hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động.

Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động thông qua việc hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động làm cơ sở cho kết nối cũng như việc xây dựng chương trình hướng nghiệp đa dạng về đối tượng, nội dung và hình thức, linh hoạt địa điểm, đào tạo đội ngũ nhân sự tham gia tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên; quy hoạch và phát triển hệ thống giao dịch việc làm…

Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang còn đưa các mục tiêu, giải pháp hỗ trợ phát triển mạng lưới an sinh xã hội, như: Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ; đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội cung cấp cho NLĐ về hình thức, phương thức, mức đóng góp và mức được hưởng; đơn giản hóa thủ tục hành chính và xây dựng cơ chế cung cấp các hỗ trợ hành chính và pháp lý cần thiết cho NLĐ tham gia các chương trình an sinh xã hội tự nguyện. Xây dựng chính sách của tỉnh hỗ trợ phát triển các thị trường lao động đặc thù, nhất là phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, thị trường lao động trình độ cao.

 Nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động bằng cách tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về pháp luật lao động; thanh, kiểm tra, chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định pháp luật; tăng cường học tập, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng chính sách và tổ chức vận hành, quản trị thị trường lao động…

Đây là một trong những kế hoạch quan trọng, nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với tình hình, đặc điểm của tỉnh; tạo cơ sở, động lực phát triển KTXH trong giai đoạn mới.

ĐỨC TOÀN

 

Liên kết hữu ích