An Giang kiểm soát thủ tục hành chính, đổi mới cơ chế “một cửa liên thông”

01/03/2023 - 07:16

 - Để thực hiện đạt hiệu quả các nhiệm vụ của hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), cải cách TTHC, ngày 18/1/2023, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ký ban hành Kế hoạch 77/QĐ-UBND tổ chức hoạt động kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu nhằm đổi mới cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và công tác truyền thông về kiểm soát TTHC; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng, liên thông, kịp thời, chính xác, không gây phiền hà. Đẩy mạnh công tác truyền thông, huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp (DN) trong việc tìm hiểu, nắm vững các quy định về TTHC, thông qua đó thực hiện quyền giám sát của mình đối với việc giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước.

Theo đó, UBND tỉnh An Giang phân công công việc rõ ràng, hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị; xác định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm, thời hạn thực hiện và dự kiến kết quả công việc. Tỉnh mong muốn kết quả góp phần thực hiện tốt khâu đột phá về công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI đề ra.

Đổi mới cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong thực hiện thủ tục hành chính

Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trong hoạt động kiểm soát TTHC; đổi mới cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC. Thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 (dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần). Đẩy mạnh công tác truyền thông về kiểm soát TTHC, cải cách TTHC. Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định, TTHC... UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch.

Năm 2023, tỉnh tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh cải cách TTHC. Triển khai Quyết định 468/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC và Nghị định 107/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC. Vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp. Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm mọi trường hợp để TTHC trễ hạn, gây phiền hà người dân, DN.

Thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, quy chế dân chủ ở cơ sở... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư tại tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành chính, kỹ năng thực thi nhiệm vụ, đạo đức công vụ. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính (CCHC); chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh An Giang, các nhiệm vụ CCHC năm 2022 của tỉnh đều được các ngành, các cấp chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kết quả đó là sự quyết tâm trong lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Nhiệm vụ CCHC của tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức sau đại dịch COVID-19, góp phần xây dựng nền hành chính của tỉnh từng bước hiện đại.

Ở các địa phương, đơn vị, chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã được nâng cao, giúp người dân, DN thuận lợi trong quá trình thực hiện. Nhiều cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở tích cực nghiên cứu, học hỏi, ứng dụng các giải pháp, mô hình hay trong CCHC hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng đề cao trách nhiệm công vụ, chủ động, tự giác học tập để nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn.

Điển hình: Mô hình chuyển bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận một cửa) của huyện An Phú sang Bưu điện huyện; mô hình “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn”; Sở Giao thông vận tải chuyển giao TTHC thuộc thẩm quyền cho 11 UBND cấp huyện và 156 UBND cấp xã trực tiếp tiếp nhận, giải quyết. Nhiều địa phương thông qua dịch vụ bưu chính công ích tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC không thu phí tại nhà người dân; hỗ trợ người dân lập tài khoản giải quyết TTHC trực tuyến qua ứng dụng Zalo...

Lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát, phát huy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác CCHC. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về văn hóa công sở, đạo đức công vụ; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Qua đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước chuyển biến, nhận thức, trách nhiệm, nâng cao thái độ phục vụ đối với người dân, tổ chức, DN.

Đặc biệt, sự quyết tâm trong lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp giải quyết khó khăn, hạn chế, góp phần xây dựng nền hành chính của tỉnh từng bước hiện đại, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới chất lượng phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Đây cũng là một trong những điều kiện cần để thu hút các DN gia nhập thị trường và đầu tư sản xuất - kinh doanh tại An Giang, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

THIÊN THANH