Liên kết tiêu thụ xoài
HTX GAP Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới) phát triển từ Hội quán xoài. Từ 7 nông dân ban đầu, đến nay lên 26 người, hơn 200 thành viên liên kết trồng xoài, trên diện tích hơn 200ha. Đây là một trong những HTX tích cực tham gia từ rất sớm vào dự án nâng cao chuỗi giá trị xoài ở ĐBSCL.
Dự án tập huấn kỹ thuật canh tác cho thành viên HTX, thành viên liên kết về kỹ thuật canh tác tiên tiến cho xoài; tăng cường năng lực quản trị cho lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của HTX thông qua khóa học về quản lý, trước và sau thu hoạch; quản lý chất lượng xoài tại vườn, tại nhà đóng gói, về kinh doanh và marketing cho xoài. Dự án cũng giúp HTX phát triển bộ nhận diện thương hiệu, giao thương kết nối thị trường. Đặc biệt, HTX ứng dụng thành công quy trình xử lý mủ, xử lý nhiệt cho xoài, góp phần tăng chất lượng, thời gian bảo quản.
Liên kết tiêu thụ xoài xuất khẩu
Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Huỳnh Kim Định cho biết, đơn vị làm chủ dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh” triển khai từ năm 2021, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, thực thi bởi Tổ chức hợp tác quốc tế Đức-GIZ, đồng hành cùng HTX GAP Cù Lao Giêng thời gian qua.
Dự án thúc đẩy việc giới thiệu, nhân rộng mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo thông qua nhiều sản phẩm khác nhau. Cụ thể là lúa gạo và ngành hàng xoài, góp phần phát triển nông thôn bền vững tại ĐBSCL, trong đó có An Giang. Lô hàng 7 tấn xoài tượng da xanh vừa được HTX GAP Cù Lao Giêng ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty TNHH XNK TMDV Vina T&T xuất khẩu qua thị trường Úc, Hoa Kỳ là minh chứng cho hiệu quả dự án mang lại. “Chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để HTX, DN tham gia dự án, thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ xoài bền vững” - bà Huỳnh Kim Định chia sẻ.
Tại huyện An Phú, HTX Nông nghiệp Long Bình sản xuất xoài xuất khẩu theo nhu cầu thị trường, hỗ trợ xã viên ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng triệt để phương pháp tưới nhỏ giọt Israel, không sử dụng thuốc trừ sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư. Qua đó, giúp HTX nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, kết nối DN tiêu thụ sản phẩm, chinh phục thị trường hơn 10 quốc gia.
Liên kết tiêu thụ lúa gạo
Việc liên kết được thực hiện chủ yếu thông qua hình thức tổ chức, DN ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ với tổ hợp tác, HTX. Cụ thể, HTX trở thành cầu nối quan trọng trong gắn kết hợp tác giữa nông dân và DN. Nhiều HTX nông nghiệp, liên hiệp HTX và tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với tổ chức, DN hiệu quả, như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần XNK An Giang (Angimex), Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Tân Thạnh An, Công ty TNHH An Thạnh, Công ty Cổ phần Quốc Tế Gia, Công ty TNHH Phước Thịnh, Công ty TNHH XNK SunRice…
Liên kết tiêu thụ lúa gạo xuất khẩu
Liên hiệp HTX Thoại Sơn nhận được sự tham gia của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Hoạt động sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến bao tiêu sản phẩm, giúp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản trên thị trường.
Đồng thời, tạo điều kiện để các thành viên tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất - kinh doanh, thông qua việc tổ chức tốt quy mô sản xuất. Liên hiệp được Tập đoàn Lộc Trời trang bị 32 bộ máy cày, 68 bộ máy cắt, 23 bộ cuộn rơm, 81 chẹt sắt và cung ứng dịch vụ drone sạ giống, bón phân, phun thuốc.
Liên hiệp HTX Tri Tôn thành lập giữa năm 2022, đến nay góp phần phát triển kinh tế tập thể địa phương, tạo sự gắn kết giữa các HTX và DN trong chuỗi liên kết, tạo điều kiện lớn mạnh về nguồn vốn, nhân sự, cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Liên hiệp HTX có 12 thành viên; diện tích 15.772ha. Hoạt động chủ yếu hỗ trợ thành viên thực hiện những công đoạn trong quy trình sản xuất, tiêu thụ lúa và nông sản.
Việc liên kết chuỗi giá trị với sự tham gia của HTX góp phần hình thành vùng chuyên canh với các thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng, phát huy thế mạnh của mỗi vùng, miền, địa phương. Điển hình, vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo tại huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn, Phú Tân, Châu Thành; vùng liên kết sản xuất thủy sản (cá tra) quy mô lớn tại TP. Long Xuyên, huyện Châu Phú; vùng liên kết chăn nuôi heo tại huyện Tri Tôn, Châu Phú và TX. Tịnh Biên; vùng liên kết chuyên canh trồng xoài tại huyện Chợ Mới, An Phú; vùng liên kết trồng chuối cấy mô tại huyện Tri Tôn, Thoại Sơn...
An Giang sớm chú trọng triển khai mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản. Trong đó, phát huy hiệu quả vai trò của HTX, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững. Tin rằng, với sự quyết tâm, đổi mới, tỉnh sẽ đạt mục tiêu đến cuối năm 2025, ít nhất 50% HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với DN, tổ chức kinh tế tập thể, HTX khác; hoặc có DN tham gia vào tổ chức, hoạt động của HTX. Trong đó, ưu tiên mô hình HTX kiểu mới, hiệu quả, gắn với vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, liên kết DN hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu đầu vào, đáp ứng nhu cầu về sản lượng, chất lượng, phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
HẠNH CHÂU