An Giang nâng cao vị thế “tam nông”

30/05/2023 - 08:20

 - Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, An Giang đạt nhiều thành tựu to lớn. Nông nghiệp tiếp tục phát triển về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế địa phương, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân và là trung tâm của quá trình phát triển nông thôn

Phát triển kinh tế địa phương

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, những năm qua, sản xuất - kinh doanh (SXKD) nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống tổ chức SXKD trong nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện; tỷ lệ nông sản qua chế biến tăng dần, thị trường tiêu thụ được mở rộng, xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao. Trình độ, học vấn của nông dân từng bước được nâng cao; tư duy SXKD nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần thích ứng với kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu tăng. Nhờ thực hiện nghị quyết “tam nông”, diện mạo nông thôn An Giang thay đổi rõ rệt; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương ngày càng được củng cố, nâng cao.

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Để khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, định hướng phát triển về nông nghiệp, nông thôn và nông dân tỉnh phù hợp định hướng chung của toàn vùng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL và cả nước, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 255/KH-UBND về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi tư duy của cả hệ thống chính trị về chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Tỉnh đẩy mạnh đào tạo nghề, gắn với thị trường xuất khẩu lao động và xu hướng dịch chuyển lao động trong nông nghiệp; nâng chất mạng lưới giáo dục và đào tạo, dạy nghề; tăng cường tập huấn, đào tạo cho hộ sản xuất nông nghiệp, người dân nông thôn về kỹ năng số, tham gia hoạt động trên môi trường số; thúc đẩy việc tham gia, giao dịch trên sàn thương mại điện tử; kỹ năng số và quy tắc ứng xử trên môi trường số…

“Trước mắt, giúp nông dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên, tạo ra giá trị thiết thực, như: Ứng dụng tra cứu, chẩn đoán sâu bệnh hại cây trồng; thanh toán dịch vụ thiết yếu không dùng tiền mặt; đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ nông thôn gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của từng địa phương” - ông Nguyễn Sĩ Lâm thông tin.

Ưu tiên các ngành hàng chủ lực

“Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tập trung thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa khu vực nông thôn; phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết.

Cùng với đó, đổi mới tổ chức, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển thị trường trong nước; nâng cao hiệu quả xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Chuyển mạnh từ xây dựng “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển “chuỗi giá trị ngành hàng”. Ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho ngành hàng chủ lực của tỉnh, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị cho ngành hàng chủ lực địa phương.

Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho vùng chuyên canh, đáp ứng yêu cầu thị trường, như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm khí thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo...), nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản...).

Đặc biệt, phát huy vai trò chủ thể của nông dân và là trung tâm của quá trình phát triển nông thôn; gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, nông dân phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường.

THU THẢO