An Giang: Người dân ủng hộ chuyến xe hàng Việt về nông thôn

22/12/2022 - 05:07

 - Tiếp nối thành công của 2 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết tăng cao của người dân, Sở Công Thương An Giang triển khai đợt 3. Kết quả thành công ngoài mong đợi, 17 chuyến hàng Việt lưu động thu doanh số bán hàng gần 180 triệu đồng, thu hút gần 20.000 lượt người dân tham quan, mua sắm.

Chuyến xe hàng Việt về nông thôn thu hút người dân tham quan, mua sắm

Từ đầu năm đến nay, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức rộng khắp toàn tỉnh, thu hút trên 150.000 lượt người tham quan, mua sắm; tổng doanh số bán hàng đạt trên 1,8 tỷ đồng. Riêng tháng 12/2022, Sở Công Thương An Giang phối hợp Siêu thị Tứ Sơn, Siêu thị Co.opmart Thoại Sơn và Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp tổ chức 18 chuyến hàng và 1 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại tất cả địa phương; cung ứng đa dạng hàng hóa (nhu yếu phẩm, hàng bách hóa tiêu dùng, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…) chất lượng đảm bảo cùng với giá cả theo chương trình bình ổn thị trường.

Miệt mài trong chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phải kể đến Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc). Các chuyến xe hàng Việt về nông thôn của Tứ Sơn như siêu thị nho nhỏ, với gần 200 mặt hàng (bánh kẹo, đồ uống, hóa mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, gia dụng và điện gia dụng...) đến với người tiêu dùng toàn tỉnh, đặc biệt là địa bàn nông thôn, miền núi, biên giới. Mỗi chuyến hàng thu hút rất đông người dân đến mua sắm.

Phó Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Nguyễn Hoài Tâm cho biết: “Từ ngày 1 đến 15/12, siêu thị triển khai 13 chuyến xe hàng Việt lưu động về nông thôn, doanh số gần 160 triệu đồng. Từ kết quả này, chúng tôi nhận thấy sự hưởng ứng nhiệt tình, ủng hộ cao của người dân địa phương. Qua đó, nhu cầu về mua sắm, ủng hộ hàng hóa của Việt Nam trong người dân rất cao. Đó là động lực để Siêu thị Tứ Sơn tiếp tục thực hiện chuyến xe lưu động hàng Việt về nông thôn thời gian tới”.

Điểm mới của chương trình năm nay là có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN), điển hình như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp. Chuyến xe bán hàng lưu động của C.P với quầy cấp đông chuyên dụng, đem đến sản phẩm tươi ngon từ thịt heo và sản phẩm chế biến từ heo, bò, gà… thu hút rất đông người dân nông thôn.

Đây là hoạt động phối hợp thực hiện bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương An Giang và Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P vừa ký kết. Ông Ngô Thoại (Giám đốc công ty) cho biết: “Hưởng ứng chương trình, công ty thực hiện 5 chuyến hàng Việt về nông thôn, đưa sản phẩm sạch, chất lượng tốt, giá cả bình ổn nhất đến bà con và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Công ty sẽ tiếp tục phối hợp Sở Công Thương duy trì chuyến xe, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý”.

Ghé xe lưu động hàng Việt về nông thôn tại chợ Mỹ Đức (huyện Châu Phú) mua 50 bọc giấy vuông và nhiều thực phẩm khác, bà Tư Ựng (ngụ xã Khánh Hòa) chia sẻ: “Thường xuyên mua hàng ở Siêu thị Tứ Sơn nên tôi rất yên tâm. Nghe có chuyến hàng về đây, tôi liền ghé mua. Giấy vuông ngoài chợ 10.000/bọc, ở đây mua 4 bọc 35.000 đồng, rẻ hơn được 5.000 đồng, bởi vậy tôi mua số lượng nhiều”.

Bà Neáng Kim Tha (ngụ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) cho biết: “Hàng hóa của chuyến hàng Việt về nông thôn đều chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá cả hợp lý, nên tôi yên tâm mua sắm”. Bà Tư Loan (ngụ huyện Châu Thành) đề xuất: “Cần nghiên cứu đa dạng nhiều mặt hàng hơn, nhất là hàng gia dụng, thực phẩm, hàng tiêu dùng, sản phẩm đặc thù, OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)... Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của chuyến hàng, điểm mấu chốt là phải nâng cao được chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng tham gia, để người dân nông thôn được mua sắm Tết với giá cả ưu đãi”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân cho biết: “Thời gian qua, đơn vị tích cực phối hợp các địa phương, Siêu thị Tứ Sơn, Siêu thị Co.opmart Thoại Sơn tổ chức rất thành công chuyến hàng Việt về nông thôn, tạo ấn tượng tốt cho người tiêu dùng. Chương trình ngày càng hiệu quả, có sự gắn kết, phối hợp và hỗ trợ giữa DN với các ngành, địa phương nơi diễn ra hoạt động bán hàng.

Qua đó, tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận với sản phẩm do DN trong nước sản xuất đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp thu nhập của người dân. Đồng thời, giúp người tiêu dùng nông thôn biết, tiếp cận và sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt; góp phần ngăn chặn hiệu quả việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng”.

Để đưa được hàng hóa đến vùng sâu, vùng xa, DN gặp không ít khó khăn, là cả nỗ lực lớn lao. Lợi nhuận không nhiều, thậm chí có khi phải bù lỗ. Thế nhưng, mục tiêu lớn nhất của DN là đồng hành, chung tay cùng chính quyền thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm nội địa.

Các DN đều có chương trình khuyến mãi, như: Tặng quà, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm... Giá bán của mặt hàng được bán thấp hơn giá thị trường từ 5-10%, góp phần bình ổn thị trường Tết và kích cầu tiêu dùng.

HẠNH CHÂU