An Giang nỗ lực đưa kinh tế phát triển nhanh và bền vững

12/10/2020 - 07:19

 - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI đã xác định quan điểm phát triển của tỉnh trong 5 năm tới (2020-2025): “Nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, để hiện thực hóa quan điểm phát triển trên, An Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, có chất lượng và hiệu quả cao, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, khuyến khích phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh (lúa, cá, cây ăn  trái, chăn nuôi); nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao. An Giang sẽ quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực; tập trung sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và xây dựng chiến lược mở rộng thị trường. Huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đô thị văn minh.

Tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản công nghệ cao, năng lượng sạch. Thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp thu hút mạnh đầu tư của các doanh nghiệp. Phát triển mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến sâu nông sản; khuyến khích phát triển các loại hình công nghiệp chế biến có hàm lượng khoa học, công nghệ nhằm tăng giá trị cho sản phẩm chủ lực. Phấn đấu đến năm 2025 phần lớn các sản phẩm nông nghiệp đều qua chế biến trước khi ra thị trường…

“Là địa phương có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, cảnh quan phong phú, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến, mời gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du dịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, những hoạt động văn hóa, giải trí… nhằm phục vụ và giữ chân du khách. Chú trọng phát triển các loại hình du lịch gắn với đặc trưng văn hóa truyền thống vùng, miền. Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh địa phương và con người An Giang với nhiều hình thức phù hợp; tăng cường liên kết vùng, hợp tác trong và ngoài nước nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh” - ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch và đô thị. Theo đó, xây dựng các chính sách đòn bẩy để thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn. Huy động nguồn lực đầu tư những công trình giao thông trọng điểm phục vụ phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tập trung phát triển đồng bộ, liên hoàn hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy kết nối các điểm dân cư tập trung, các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, các khu công nghiệp, khu du lịch… Đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa thành thị và nông thôn; xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cấp, phát triển các đô thị trung tâm, khu đô thị mới theo đúng quy hoạch; phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 43%.

Để có hướng đi vững chắc, bài bản, tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện hiệu quả giải pháp đã đề ra. Khuyến khích đổi mới, sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đẩy mạnh khởi nghiệp doanh nghiệp. Phát huy tiềm lực khoa học - công nghệ, tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tập trung phát triển một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI đã biểu quyết thống nhất 16 chỉ tiêu cùng một hệ thống các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại... như một chỉnh thể thống nhất, bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh nhà. Để tạo tiền đề thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ này, đại hội xác định phải tập trung thực hiện 3 khâu đột phá, gồm: đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch; nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Việc xác định các khâu đột phá để tập trung thực hiện nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của tỉnh, tạo xung lực mới có sức lan tỏa mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để An Giang phát triển nhanh và bền vững.

Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của tỉnh, sự đoàn kết, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, KTXH của tỉnh trong 5 năm tới sẽ thêm những gam màu tươi sáng, phát triển một cách toàn diện và bền vững.

THU THẢO