An Giang: Nông nghiệp vượt khó tăng trưởng

28/10/2021 - 05:03

 - Trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đã tích cực xây dựng các mối liên kết để kết nối tiêu thụ nông sản, thành lập các tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp (DN). Nhờ vậy, phần lớn sản lượng nông sản mùa thu hoạch rộ đều được tiêu thụ hết. Đây là kinh nghiệm tốt để ngành nông nghiệp An Giang chuyển sang giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Toàn ngành nỗ lực

Trong hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành nông nghiệp càng phát huy rõ vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, nhờ sự nỗ lực của toàn ngành và bà con nông dân, năng suất lúa bình quân từ đầu năm đến nay ước đạt 67,41 tạ/ha, tăng 3,26 tạ/ha so cùng kỳ năm 2020.

Nếu như vụ đông xuân 2020-2021, tình hình xuất khẩu gạo thuận lợi, lúa được thu hoạch nhanh và giá bán cao thì sang vụ hè thu 2021, thời điểm thu hoạch rộ rơi vào đợt giãn cách xã hội nên ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch, tiêu thụ, giá bán sụt giảm. Ngành nông nghiệp đã tích cực tổ chức kết nối với những DN lớn để tiêu thụ lúa cho nông dân, cơ bản thu hoạch và tiêu thụ dứt điểm, năng suất sơ bộ đạt 58,3 tạ/ha, tăng 1,22 tạ/ha.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, cá tra vẫn gặp khó trong tiêu thụ, xuất khẩu. Giá cá tra thương phẩm hiện vẫn ở mức thấp (từ 21.000-22.000 đồng/kg), nhưng cao hơn 4.000-4.500 đồng/kg so cùng kỳ năm 2020. Dự báo nhu cầu trong nước và thế giới sẽ tăng trong thời gian tới, quy mô vùng nuôi giống, nuôi cá tra thương phẩm của hộ dân và các vùng nuôi của DN đang phục hồi trở lại.

Lúa được kết nối và hỗ trợ tiêu thụ

Từ đầu năm đến nay, có thời điểm số lượng gia súc, gia cầm sản xuất trên địa bàn tỉnh không đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu tiêu dùng. Để bảo vệ tốt đàn chăn nuôi, các ngành chức năng đã tăng cường công tác phòng ngừa dịch bệnh thông qua nhiều biện pháp, như: tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng chống dịch bệnh; tổ chức vệ sinh, khử trùng tiêu độc diệt mầm bệnh… Quy mô và sản lượng đàn vật nuôi hiện tăng so với cùng kỳ và đang tiếp tục phát triển.

Từ những kết quả sản xuất đạt được như trên, Cục Thống kê tỉnh ước tổng giá trị sản xuất theo giá so sánh 2010 (GOss) của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực 1) trong 9 tháng của năm 2021 đạt 35.414 tỷ đồng, bằng 102,36% so cùng kỳ năm 2020 (tăng 817 tỷ đồng). Ước tốc độ tăng trưởng (VA) của ngành nông nghiệp đạt 2,33%, tuy chưa đạt so kịch bản 9 tháng (tăng 3,16%) nhưng là lĩnh vực duy nhất có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng cùng kỳ (tăng trưởng nông nghiệp của 9 tháng năm 2020 tăng 1,95%).

Hỗ trợ liên kết

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, trước tác động của COVID-19, đơn vị đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 434/KH-UBND, ngày 18-7-2021 về tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình dịch bệnh COVID-19; thành lập tổ phản ứng nhanh, bộ phận giúp việc hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong điều kiện ứng phó dịch bệnh (Quyết định 1694/QĐ-UBND, ngày 22-7-2021 của UBND tỉnh). Qua đó, giúp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, không để chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản bị đứt gãy, nhất là các sản phẩm lúa, gạo, nếp, rau màu, cây ăn trái…

Sở NN&PTNT An Giang đã công bố đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương để tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý và vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, hàng nông sản phục vụ đời sống nhân dân và DN trong tình hình dịch bệnh.

 Sở NN&PTNT An Giang còn thành lập Tổ xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản, gồm: lãnh đạo sở, các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc của Sở NN&PTNT; lãnh đạo các Phòng NN&PTNT cấp huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố. Nhiệm vụ của tổ là tiếp nhận thông tin từ địa phương về những mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, tìm và kết nối với các DN, đơn vị có nhu cầu thu mua, giá cả các bên tự thương lượng. Tổ xúc tiến còn kết nối thông tin với Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT để kịp thời điều phối, kết nối tiêu thụ nông sản cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh (kết nối cung ứng gần 41.900 combo).

Sở NN&PTNT An Giang cùng các sở, ngành đã phối hợp với Viettel An Giang đưa lên sàn thương mại điện tử Voso.vn các sản phẩm, như: bắp, khoai cao, đậu nành rau, nhãn, chanh, quýt, cam, bưởi... Sở NN&PTNT còn hỗ trợ nhóm hợp tác xã nông nghiệp An Giang đăng tin bán, thiết kế gói combo để tiêu thụ nông sản trên trang http://htx.cooplink.com.vn của Trung tâm Kinh tế hợp tác (CCD), giúp nhiều hợp tác xã kết nối tiêu thụ được lượng lớn nông sản.

Về tổng thể cả năm 2021, diện tích lúa thu đông vượt kế hoạch 5.000-8.000ha, sản lượng thủy sản khả năng tăng từ 25.000-30.000 tấn (cá tra giảm khoảng 3% nhưng cá giống và các loài cá khác tăng). Do đó, ngành nông nghiệp ước tăng trưởng cả năm 2021 sẽ đạt kế hoạch đề ra (tăng từ 2,4-2,8%). Ước năm 2021, sẽ có thêm 6 xã nông thôn mới nâng cao (kế hoạch tăng 5 xã); tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đến cuối năm 2021 đạt 93,7% (kế hoạch 91%).

NGÔ CHUẨN