Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Khánh Hiệp, cụ thể hóa các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần XI, toàn ngành đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; triển khai Chương trình hành động phát triển hạ tầng du lịch (DL) tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường công tác quản lý nhà nước, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ các khu, điểm DL, các doanh nghiệp kinh doanh DL trên địa bàn tỉnh hoạt động theo đúng quy định; triển khai các chiến lược, giải pháp, phục hồi và phát triển DL sau dịch COVID-19… đạt nhiều thành tựu.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa du lịch, sản phẩm đặc trưng của tỉnh
Giai đoạn 2020 - 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển KTXH của tỉnh nói chung và ngành VH-TT&DL nói riêng. Tuy nhiên, với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và sáng tạo, toàn ngành đã chủ động rà soát, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh điều chỉnh kịp thời những chiến lược, giải pháp nhằm đảm bảo triển khai các nhiệm vụ phát triển ngành đạt chất lượng, hiệu quả cao, phù hợp tình hình thực tế của tỉnh. Đồng thời, chủ động xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch công tác hàng năm nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL và của tỉnh về phát triển sự nghiệp VH-TT&DL, giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện Chương trình hành động 300/CTr-UBND, ngày 4/6/2021 của UBND tỉnh về phát triển hạ tầng DL tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương đã đầu tư và chủ trương đầu tư 5 dự án các tuyến quốc lộ kết nối các khu, điểm DL trên địa bàn tỉnh; 9 dự án trọng điểm về giao thông do tỉnh đầu tư. Tỉnh đã bố trí hơn 268 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa 37 công trình tuyến đường tỉnh (168 tỷ đồng) và 16km quốc lộ (100,9 tỷ đồng) từ nguồn vốn Trung ương và địa phương bố trí, đảm bảo giao thông và kết nối phát triển DL.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, ngành DL An Giang đã tập trung phát triển đồng bộ các loại hình DL, trong đó DL tâm linh giữ vai trò trọng tâm, chủ yếu tập trung tại Khu DL quốc gia núi Sam, núi Cấm, các điểm di tích, đình, đền, chùa của các tôn giáo tập trung xung quanh vùng Bảy Núi.
Các hoạt động DL sinh thái - nghỉ dưỡng tiếp tục thu hút sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, cá nhân và giới trẻ, như: Tham quan DL sinh thái rừng tràm Trà Sư, điểm tham quan sinh thái Mỹ Luông, điểm tham quan khu DL Cồn Én (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới), dịch vụ DL cắm trại, dã ngoại vùng Bảy Núi, DL trekking núi Cấm… góp phần đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ DL, khai thác tiềm năng và lợi thế phát triển DL. Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, An Giang đã đón hơn 19,1 triệu lượt khách tham quan, DL.
Các hoạt động văn hóa - văn nghệ ngày càng phong phú
Năng lực phục vụ khách DL ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng đúng tiêu chuẩn của ngành và nhu cầu của khách DL. An Giang hiện có 97 cơ sở lưu trú DL (trong đó, có 67 cơ sở được xếp hạng và 30 cơ sở đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ khách DL); 19 công ty lữ hành; 5 khu, điểm DL được công nhận (1 khu DL quốc gia, 1 khu DL cấp tỉnh và 3 điểm DL). Các loại hình văn hóa, giải trí về đêm, chợ đêm… tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng chất theo hướng thương mại - dịch vụ, đặc biệt tại các khu vực đô thị (TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu) để thu hút, giữ chân du khách đến tham quan An Giang và lưu trú dài ngày hơn.
Tỉnh quan tâm đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gia đình văn hóa, phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng văn hóa và hoàn thiện nhân cách con người; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng văn hóa của người dân. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa ngày càng tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa An Giang được chú trọng đầu tư.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh được tổ chức tốt, đổi mới về hình thức và nội dung, ngày càng được nâng cao về chất và lượng; tổ chức được nhiều sự kiện, phong trào văn hóa - văn nghệ, tuyên truyền cổ động, triển lãm, thông tin lưu động, thư viện từ cấp tỉnh đến cơ sở, thu hút được sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Từ đó, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân.
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), thời gian tới, ngành VH-TT&DL tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động 300/CTr-UBND của UBND tỉnh về phát triển hạ tầng DL tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DL; khai thác mạnh mẽ thế mạnh về DL; huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển DL; tiếp tục phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người An Giang…
MINH THƯ