Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh An Giang thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Võ Nguyên Nam cho biết: “Năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương, của tỉnh về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giới thiệu gương điển hình, mô hình tiên tiến; tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở, chú trọng chương trình, dự án liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của Nhân dân, vấn đề bức xúc ở khu dân cư.
Đồng thời, kịp thời củng cố, kiện toàn, bổ sung, phân công thành viên ban chỉ đạo phụ trách địa bàn; hướng dẫn, đôn đốc triển khai hiệu quả nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm, trọng điểm, góp phần đưa quy chế dân chủ ở cơ sở lan tỏa, sâu rộng, trở thành việc làm thường xuyên ở mỗi cơ quan, đơn vị”.
Tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh, chỉ đạo, triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và chỉnh đốn Đảng; phát huy vai trò của cán bộ, quần chúng nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên xây dựng chương trình, kế hoạch, lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát, phản biện xã hội phù hợp định hướng, vấn đề Nhân dân, đoàn viên, hội viên quan tâm. Bên cạnh đó, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hiệu quả, hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Việc xây dựng quy ước tại khóm, ấp được thực hiện đúng quy trình. Đến nay, toàn tỉnh có 879 khóm, ấp đã xây dựng quy ước.
Tỉnh công khai, lấy ý kiến Nhân dân về những chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp tới Nhân dân và địa phương, như: Thủ tục hành chính; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; các khoản huy động Nhân dân đóng góp; chủ trương, kế hoạch vay vốn cho Nhân dân phát triển sản xuất, giảm nghèo; chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới, công trình phúc lợi ở địa bàn...
Năm 2023, Quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh tiếp nhận nguồn đóng góp (tiền và hiện vật quy ra tiền) trên 284 tỷ đồng. Qua đó, chi hỗ trợ gần 282 tỷ đồng để cất, sửa nhà Đại đoàn kết; thăm, tặng quà hộ nghèo.
Quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, mà trước hết là ý thức phục vụ Nhân dân, tôn trọng Nhân dân, mối quan hệ giữa Đảng với dân. Đồng thời, phát huy quyền làm chủ, huy động sự tham gia tích cực của Nhân dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Vấn đề quan trọng ở cơ sở đều được đưa ra bàn bạc, góp ý giám sát khi thực hiện…
Đồng chí Võ Nguyên Nam đề nghị: “Thời gian tới, các cấp ủy Đảng quan tâm củng cố, kiện toàn, phân công trách nhiệm và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ, ban thanh tra nhân dân các cấp. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; rà soát, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế, quy định về dân chủ ở cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật”.
Toàn tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với phong trào thi đua yêu nước, “Dân vận khéo”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Chú trọng thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tích cực tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đối thoại, tập trung giải quyết kịp thời bức xúc trong Nhân dân.
Ngoài ra, duy trì, nhân rộng mô hình thực hiện quy chế dân chủ cơ sở hiệu quả; phát huy tốt quyền làm chủ của Nhân dân trên các lĩnh vực đời sống, xã hội… góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
TRUNG HIẾU