An Giang phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Hiệp cho biết, năm 2024, sở triển khai thực hiện 18 mô hình, mỗi mô hình 50ha, với tổng diện tích 900ha, tại 9 huyện, thị xã, thành phố và 4 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ NN&PTNT, với diện tích 52ha, tại 4 huyện: Phú Tân, Châu Thành, Tri Tôn và Thoại Sơn. Về phía địa phương, có huyện Phú Tân và Châu Phú, đã triển khai 165ha theo quy trình 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp trong vụ thu đông vừa qua. Song song với các mô hình, cũng đã triển khai 93 lớp tập huấn tuyên truyền về thực hiện các tiêu chí 1 triệu héc-ta và 12 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác theo đúng tiêu chí của Bộ NN&PTNT tại các địa phương trong tỉnh.
Kết quả tổng kết các mô hình cho thấy, đã giảm lượng giống trung bình 67kg lúa giống/ha (mô hình 80kg/ha; đối chứng 120 - 170kg/ha); năng suất ruộng trung bình cao hơn đối chứng 0,1 tấn/ha (mô hình 6,5 tấn/ha; đối chứng 6,4 tấn/ha); chi phí sản xuất giảm trung bình 4 - 5 triệu đồng/ha; Lợi nhuận mô hình cao hơn đối chứng 3,6 - 5,3 triệu đồng/ha. Các mô hình điểm được thực hiện theo quy trình sản xuất 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao để làm cơ sở cho người sản xuất có cơ hội tham quan, học tập và làm theo, làm cơ sở để nhân rộng cho kế hoạch trong thời gian tới. Bước đầu, với những kết quả khả quan của mô hình điểm có tác động giúp nông dân thay đổi dần tập quán và tư duy trong việc sản xuất theo hướng bền vững và tuân thủ theo một quy trình kỹ thuật sản xuất một cách chặt chẽ.
Đến nay, ngoài 1.117ha diện tích mô hình được áp dụng triệt để theo các yêu cầu kỹ thuật của quy trình 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, toàn tỉnh còn ghi nhận diện tích cơ bản đạt theo quy trình 7.419/20.690ha (đây là phần diện tích được phát triển từ dự án VnSAT đến cuối năm 2023 là 22.310ha, các diện tích này đã đáp ứng các yêu cầu của quy trình “1 phải, 5 giảm”, trong số đó có 36% diện tích đáp ứng chỉ tiêu thu gom rơm). Như vậy, tổng hợp chung diện tích áp dụng theo quy trình 1 triệu héc-ta năm 2024, đạt 8.536/20.609ha, đạt 41,4% kế hoạch của năm 2024.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Hiệp cho biết thêm: “Trong năm 2025, An Giang sẽ thực hiện diện tích 44.051ha tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, để nông dân tiếp cận mô hình, mạnh dạn thực hiện theo đề án tại địa phương, vụ đông xuân 2024 - 2025, toàn tỉnh sẽ triển khai 47 mô hình, với diện tích 526ha. Trong đó, Sở NN&PTNT sẽ triển khai 18 mô hình, với diện tích 270ha; huyện Phú Tân sẽ triển khai 12 mô hình, với diện tích 136ha; huyện Tri Tôn nhân rộng mô hình áp dụng máy sạ cụm, với diện tích 40ha; huyện Châu Phú thực hiện 16 mô hình, với 80ha”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mục tiêu tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế tiêu dùng xanh toàn cầu. Bộ trưởng chỉ rõ, phát triển nông nghiệp bền vững không thể chỉ chú trọng vào năng suất và sản lượng mà cần hướng đến giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo. Đồng thời, đảm bảo môi trường và sức khỏe nông dân. Do đó, các cấp chính quyền, doanh nghiệp và hợp tác xã phải đồng hành với nông dân; doanh nghiệp cần cam kết thu mua lúa gạo với giá cao hơn thị trường, nhằm khuyến khích nông dân tham gia hợp tác xã, tạo động lực hợp tác và nâng cao lợi nhuận. Tuy nhiên, để đạt được sự bền vững, điều quan trọng là nâng cao năng lực của người nông dân thông qua các hoạt động khuyến nông, phổ biến kỹ thuật canh tác chính xác và hiệu quả.
Đồng thời, quá trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo phải dựa trên hệ sinh thái liên kết giữa chính quyền, doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc hiện đại như máy gặt đập liên hợp, cũng như đảm bảo ổn định đầu ra. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần sát cánh, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn kịp thời, từ đó tạo niềm tin và sự gắn bó với người nông dân khi thực hiện chuỗi sản xuất. Bộ trưởng kỳ vọng An Giang sẽ là địa phương tiên phong trong xây dựng hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo bền vững, góp phần nâng cao thương hiệu và giá trị lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh được xem là bước khởi đầu cho việc sản xuất lúa theo hướng bền vững. Để thực hiện thành công còn rất nhiều việc cần làm, nhưng với sự hưởng ứng, quyết tâm của địa phương, người dân, doanh nghiệp trong những bước khởi đầu triển khai. Tin rằng, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ đạt hiệu quả, phát huy mục đích, ý nghĩa của đề án.
TRỌNG TÍN