An Giang phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị

27/09/2024 - 07:00

 - Để phát triển ngành dược liệu, An Giang đang triển khai các giải pháp phát triển ngành hàng dược liệu theo chuỗi giá trị, gắn với bảo tồn các nguồn gen đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế và quảng bá, phát triển du lịch, nhất là vùng Bảy Núi.

Nguồn cây dược liệu ở vùng Bảy Núi thuộc TX. Tịnh Biên và huyện Tri Tôn khá phong phú và đa dạng, với 226 loài, 79 họ, 3 ngành thực vật được sử dụng làm thuốc. Có một số loài cây nằm trong sách đỏ Việt Nam, như: Kim giao, ba gạc, bình vôi lá nhỏ, ngũ gia bì, trầm hương. Cây thuốc An Giang được người dân trong và ngoài ưa chuộng bởi dược tính cao.

Để góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao; nâng cao ý thức của Nhân dân trong vùng về bảo vệ tài nguyên cây thuốc, tỉnh triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng khu bảo tồn dược liệu kết hợp phát triển du lịch tại núi Cấm” trên tổng diện tích 5.000m2 ở xã An Hảo (TX. Tịnh Biên). Đề án vừa phục vụ sản xuất cây thuốc, vừa tạo cảnh quan khu vực, là điểm tham quan về mô hình trồng cây thuốc hiệu quả, với 5 cây thuốc phục vụ cho nghiên cứu nhân giống, gồm: Trà tiên, Bách hợp, Khổ qua rừng, Đương quy Nhật, Sâm cao.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn dược liệu của tỉnh đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa do khai thác quá mức. Để chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển sinh kế rừng, nâng cao giá trị kinh tế trên 1 đơn vị diện tích rừng, góp phần phát triển kinh tế địa phương, kinh tế hợp tác, đẩy mạnh công tác bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành hàng dược liệu tỉnh An Giang theo chuỗi giá trị giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư xây dựng vùng trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ dược liệu kết hợp với chuỗi hệ sinh thái du lịch, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe từ dược liệu, tích hợp đa giá trị trên sản phẩm, phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, sinh thái, sản xuất sạch và có trách nhiệm.

Cụ thể, giai đoạn 2024 - 2025, tập trung triển khai các hoạt động của mô hình thí điểm và một số hoạt động cơ bản liên quan đến cây dược liệu, như: Tổ chức hội thảo triển khai kế hoạch; xây dựng và triển khai 2 mô hình thí điểm phát triển vùng trồng dược liệu kết hợp với du lịch dược liệu, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh từ dược liệu; tổ chức điều tra nghiên cứu thị trường (nhu cầu) dược liệu tại tỉnh An Giang, các tỉnh lân cận và mở rộng các vùng trong cả nước. Thực hiện hoạt động đăng ký ngân hàng dữ liệu mở về hệ gen (Genbank) cho loài cây Xáo Tam Phân lên hệ thống Genbank để tăng thêm giá trị loài cây, giúp nhiều người biết đến cây này được sản xuất tại An Giang và xây dựng thương hiệu cho loại cây này để phát triển thị trường tiêu thụ.

Giai đoạn 2026 - 2030, nhân rộng mô hình thí điểm phát triển vùng trồng dược liệu kết hợp với du lịch dược liệu, chăm sóc sức khỏe từ dược liệu. Duy trì và phát triển vùng dược liệu trồng với quy mô phấn đấu 1.000ha tại huyện Tri Tôn, TX. Tịnh Biên đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế, phù hợp điều kiện tự nhiên của tỉnh, như: Ba kích, Chúc, Dó bầu, Đinh lăng, Huyền tinh, Hồng quân, Kim ngân Hoa, Ngải đen, Nấm linh chi đỏ, Nho rừng, Ngãi bún, các loại sâm, Xạ đen, Xáo tam phân và các loại dược liệu do doanh nghiệp đề xuất liên kết. Đồng thời, phát triển ít nhất 1 - 2 thương hiệu sản phẩm dược liệu OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) có nguồn gốc từ vùng Bảy Núi. Xây dựng các câu chuyện lịch sử vùng đất và con người An Giang gắn với dược liệu Bảy núi và du lịch sinh thái - tâm linh vùng Thất Sơn…

Nhằm bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu có khả năng sản xuất tiêu thụ được và gây trồng tại An Giang, góp phần tăng thu nhập cho người dân trồng - bảo vệ - phát triển rừng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương vùng miền, bảo đảm quốc phòng - an ninh, UBND tỉnh yêu cầu việc phát triển chuỗi ngành hàng cây dược liệu phải phù hợp định hướng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương. Trong đó, phải đảm bảo sự hài hòa vừa bảo tồn, vừa khai thác và phát triển các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế, có thế mạnh, tạo được các vùng bảo tồn, vùng nguyên liệu cây dược liệu để phát triển ổn định, lâu dài. Đồng thời, có sự liên kết chặt chẽ, ổn định theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hoạch gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo phát triển ngành hàng cây dược liệu một cách bền vững, hiệu quả theo chuỗi giá trị có sự tham gia của người dân với doanh nghiệp theo nguyên tắc hài hòa lợi ích và sự đồng thuận giữa các bên trong chuỗi giá trị.

THU THẢO