An Giang phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích, chợ kinh doanh thực phẩm

24/08/2021 - 06:05

 - Nhu cầu người tiêu dùng về các loại rau quả, thực phẩm đang có sự chuyển biến rõ rệt. Người dân quan tâm nhiều đến chất lượng, nguồn gốc, tính an toàn hơn là số lượng, giá thành sản phẩm... Đáp ứng nhu cầu của người dân, ngành chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp duy trì, phát triển cửa hàng tiện lợi, chợ kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.

Mua sắm tiện lợi

Trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có rất nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm... kinh doanh các loại thực phẩm an toàn, như: siêu thị Co.opmart, cửa hàng Bách Hóa Xanh, cửa hàng VinMart+... Bên cạnh sự đa dạng về số lượng, sản phẩm kinh doanh tại các cửa hàng này  có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, các kênh bán lẻ này với hạ tầng hiện đại, hình thức mua hàng đa dạng có nhiều chương trình ưu đãi nên rất được lòng của người tiêu dùng.

Trước đây, gia đình chị Lê Thị Mỹ Thanh (xã Hòa An, huyện Chợ Mới) thường mua hàng hóa, nông sản và các nhu yếu phẩm hàng ngày tại chợ truyền thống ở địa phương. Tuy nhiên, kênh mua hàng này có nhiều điểm khiến chị không an tâm. Nhiều loại thực phẩm, nông sản không rõ nguồn gốc. Từ khi cửa hàng tiện lợi gần nhà hoạt động, việc đi chợ của chị Thanh được dễ dàng, tiện lợi hơn.

“Mua sắm ở cửa hàng tiện lợi an tâm hơn, do các sản phẩm ở đây có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, tôi không mất nhiều thời gian để chọn lựa sản phẩm, vì đa số mặt hàng đều được tập trung kinh doanh tại đây. Bên cạnh, thời gian mở cửa khá linh hoạt, tôi có thể đến mua sắm bất kỳ lúc nào trong ngày” - chị Thanh chia sẻ.

Các siêu thị, cửa hàng tiện ích đang là địa chỉ tin cậy cùa người tiêu dùng

Tương tự, Trần Thị Mỹ Ngọc (ngụ xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) cũng lựa chọn mua hàng tại các siêu thị. Chị Ngọc cho biết, gần nhà chị có cửa hàng tiện lợi nên cần mua gì chị đều đến đó. Theo chị Ngọc, hàng hóa ở đây đa dạng, phong phú phục vụ đủ nhu cầu cần thiết cho gia đình. Đặc biệt, các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm đều tươi ngon, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng, giá không cao hơn so với các chợ truyền thống.

Có thể thấy, việc phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi-ni đã đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh chất lượng sản phẩm, các cửa hàng còn được đầu tư hạ tầng khang trang; hình thức thanh toán hiện đại, có hóa đơn mua hàng; đặc biệt có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Nâng cao chất lượng

Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm thực phẩm sạch của người dân, UBND tỉnh An Giang vừa triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích, chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, tại các đô thị lớn, như: TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu có từ 2-3 hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại có đủ các ngành hàng. Tại TP. Long Xuyên sẽ duy trì, nâng chất và phát triển đa dạng ngành hàng tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.

Ngoài ra, tại mỗi xã, thị trấn sẽ phát triển từ 1-2 cửa hàng tiện tích. Thí điểm phát triển từ 1-2 chợ kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm. Trong đó, các sản phẩm, hàng hóa kinh doanh phải là nông sản sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý do các cơ sở, doanh nghiệp (DN) có uy tín trong và ngoài tỉnh sản xuất, phân phối và kinh doanh.

Để thực hiện mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu các sở, ngành liên quan xây dựng tiêu chí đánh giá và có giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống chợ kinh doanh thực phẩm, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận quỹ đất, có mặt bằng để phát triển kinh doanh. Mặt khác, cần đánh giá về tính cạnh tranh, lợi thế của các mặt hàng nông sản để có giải pháp thúc đẩy sản xuất và đưa vào tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng tiện ích, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh còn đề nghị các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khảo sát, lựa chọn xây dựng hệ thống cửa hàng tiện ích và chợ kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để gắn kết tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa hợp tác xã, DN, người nông dân với các cửa hàng, nhà phân phối. Từ đó, góp phần duy trì và nâng chất cửa hàng tiện ích và chợ kinh doanh thực phẩm. Ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra chất lượng, giá cả các sản phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, góp phần tạo niềm tin và thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng về việc sử dụng sản phẩm an toàn.

Ngoài các giải pháp trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền quảng bá cửa hàng tiện ích, chợ kinh doanh thực phẩm để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt thông tin, nhu cầu, khó khăn của DN, hệ thống cửa hàng tiện ích để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Qua đó, giúp các DN, hệ thống cửa hàng hoạt động tốt, từng bước phát triển ổn định và hiệu quả.

ĐỨC TOÀN