An Giang phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp

14/09/2022 - 06:48

 - Thời gian qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở An Giang phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần tăng hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp

Liên kết, hợp tác là hướng đi tất yếu cho phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Bởi lẽ, hợp tác liên kết mới tạo ra khu sản xuất tập trung, phát triển “Cánh đồng lớn”, vùng nguyên liệu lớn và là cơ sở quan trọng để đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất theo hướng công nghệ cao, tiêu chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, tạo ra sản lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng yêu cầu thị trường. Với điều kiện thực tế hiện nay, việc liên kết sản xuất và hình thành các HTX rất phù hợp.

Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 269 HTX hoạt động ở 6 lĩnh vực: Nông nghiệp; vận tải; tiểu thủ công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch; khai khoáng và quỹ tín dụng nhân dân. Trong đó, 203 HTX nông nghiệp chiếm 75,5%, 18.999 thành viên, quy mô vốn 42,9 tỷ đồng, tổng tài sản 62,2 tỷ đồng, doanh thu bình quân 4,5 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.

Đồng thời, 2 liên hiệp HTX đang hoạt động: HTX Thoại Sơn (7 thành viên HTX nông nghiệp, vốn góp 500 triệu đồng, vốn góp tối thiểu 10 triệu đồng/thành viên, diện tích 7.500ha, 1.146 nông dân); HTX Tri Tôn thành lập tháng 5/2022 (12 thành viên HTX nông nghiệp, diện tích 15.772ha, 2.662 nông dân).

Ngoài ra, toàn tỉnh có 960 tổ hợp tác (THT) đang hoạt động, tăng 30 THT so với cuối năm 2021, tổng số 15.213 thành viên, hoạt động ở 4 lĩnh vực chủ yếu (trồng trọt; chăn nuôi, thủy sản; dịch vụ, các lĩnh vực khác và tín dụng). Trong đó, 481 THT trồng trọt (chiếm 50,1%), 6.768 người, bình quân 14 người/THT, diện tích 29.048ha; 243 THT chăn nuôi, thủy sản (chiếm 25,3%), diện tích 19,83ha, có 3.371 người, bình quân 13 người/THT.

Thời gian qua, việc phát triển kinh tế tập thể, HTX ở An Giang đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong nông nghiệp, góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, “Cánh đồng lớn”. Từ đó liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tạo vùng sản xuất lớn, phát huy thế mạnh của mỗi vùng, miền, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng. Diện tích thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa HTX, THT với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực ngày càng tăng, thu hút nhiều DN, tập đoàn lớn tham gia.

Điển hình như vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo thực hiện liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn, Phú Tân, Châu Thành. Vùng liên kết sản xuất thủy sản (cá tra) quy mô lớn tại TP. Long Xuyên, Châu Phú; vùng liên kết chăn nuôi heo tại huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và Châu Phú; vùng liên kết chuyên canh trồng xoài tại huyện Chợ Mới, An Phú; vùng liên kết trồng chuối cấy mô tại huyện Tri Tôn, Thoại Sơn...

Năm 2021, đã có 30 DN triển khai liên kết sản xuất thông qua 46 HTX và 249 THT, diện tích liên kết lúa (nếp) đạt 87.698ha (trong đó chuỗi liên kết sản xuất lúa của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai 70.000ha), diện tích liên kết rau màu 3.981ha, diện tích liên kết cây ăn trái 1.356ha.

HTX An Phước Lộc ở xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn) chính thức thành lập tháng 4/2022 với 24 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, HTX triển khai phương án sản xuất - kinh doanh, hướng dẫn thành viên liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và DN khác. Vụ hè thu 2022, HTX liên kết sản xuất 430ha giống OM18 và OM5451, liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Đó là các mô hình “truyền thống”, “bao lợi nhuận”, “không dấu chân”, “truyền thống nâng cao”.

Ông Cao Văn Tiền (Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX An Phước Lộc) cho biết, các mô hình đều được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và thu mua nông sản với giá thỏa thuận, bước đầu tạo được niềm tin trong thành viên, hội viên nông dân khu vực. “Mô hình không dấu chân” trên mặt ruộng có thể xem là tiêu biểu cho sản xuất tập trung theo định hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp. Vụ hè thu 2022, HTX có 2 thành viên thực hiện mô hình đối chứng trên 6ha.

Diện tích “mô hình không dấu chân” hoàn toàn cơ giới hóa, sử dụng máy bay không người lái trong gieo sạ lúa, rải phân và phun thuốc. Khâu thu hoạch dùng máy cắt suốt liên hợp có thùng chứa lúa (khoảng 1 tấn). Sau khi cắt đầy, lúa được chuyển sang xe kéo ra nơi tập kết. Lúa được qua cân điện tử, băng truyền tải tự động để xuống ghe vận chuyển, nông dân chỉ nhận phiếu xác nhận số lượng. So với thu hoạch truyền thống, nông dân không cần dùng đến bao bì đựng lúa, giảm lao động hứng lúa vào bao và vận chuyển lúa ra bãi, bốc vác xuống ghe. Từ đó, từng bước hạ chi phí khâu thu hoạch.

Qua tổng kết thực hiện mô hình đối chứng, nhận thấy “mô hình truyền thống” dù năng suất tương đối cao, nhưng chi phí sản xuất cao. Còn xét về hiệu quả, “mô hình không dấu chân” trên mặt ruộng đem lại lợi nhuận hơn sản xuất kiểu truyền thống từ 10-15%. Từ đó cho thấy, “mô hình không dấu chân” trên mặt ruộng giảm được nhiều chi phí trong sản xuất, giảm bớt nhân công lao động chân tay; sản xuất và thu hoạch theo hướng cơ giới hóa; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn, đầu ra sản phẩm tương đối ổn định.

Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giúp các thành viên HTX được tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, dần thích nghi với hình thức sản xuất kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể theo chủ trương của Đảng.

TRỌNG TÍN