An Giang: “Quả ngọt” nông thôn mới

13/08/2024 - 06:46

 - Với Quyết định 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thoại Sơn trở thành huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên trong tỉnh. Đây là “quả ngọt” sau thời gian dài phấn đấu, khắc phục khó khăn, là cơ sở, động lực để An Giang hướng đến mục tiêu xây dựng NTM thành những “miền quê đáng sống”, nơi đáng để quay về và níu chân du khách.

“Áo mới” trên vùng đất Ông Thoại

Năm 2018, Thoại Sơn vinh dự trở thành huyện NTM đầu tiên trong tỉnh, vượt lộ trình 1 năm so kế hoạch. Không dừng lại với thành tích đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân vùng đất Ông Thoại tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao.

“Quả ngọt” cho sự cố gắng ấy là đến nay, tất cả 14/14 xã của huyện đều đạt xã NTM nâng cao, trong đó có 2 xã NTM kiểu mẫu (xã Định Thành kiểu mẫu về lĩnh vực tổ chức sản xuất, xã Vĩnh Trạch kiểu mẫu về lĩnh vực giáo dục); 3 thị trấn đạt đô thị văn minh. Đây là cơ sở để Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 750/QĐ-TTg, ngày 1/8/2024 công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023.

Thành tích huyện NTM nâng cao của Thoại Sơn là hoàn toàn xứng đáng. Từ trung tâm TP. Long Xuyên vào huyện Thoại Sơn theo Đường tỉnh 943, ai cũng thích thú khi lưu thông trên tuyến đường tỉnh được mệnh danh “đẹp nhất An Giang” hiện nay, với 2 hàng bằng lăng và phượng vĩ rợp sắc bên đường. Đối với gần 43km đường xã, được cứng hóa 100% từ năm 2018, đến nay đều được đầu tư xây dựng đảm bảo các hạng mục về an toàn giao thông, trồng cây xanh tạo bóng mát.

Với 31 tuyến đường ấp và liên ấp, chiều dài 118,83km, đều được nhựa hóa 100% hoặc bê-tông hóa đạt chuẩn, tăng 40km so năm 2018. Tương tự, 21 tuyến đường ngõ, xóm, chiều dài 19,4km cũng được đầu tư cứng hóa, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. Trong số 31.766 hộ dân trên địa bàn 14 xã NTM nâng cao, có 27.909 hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố, chiếm 87,86%.

Xây dựng nông thôn mới giúp khởi sắc làng quê

Được biết đến là “vựa lúa” của tỉnh, cùng với định hướng phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, tăng trưởng xanh và phát thải thấp, huyện Thoại Sơn còn khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch.

Qua đó, tăng giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt bình quân 215 triệu đồng/ha; nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn lên 73,5 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,32%. Huyện thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động tại địa phương.

Vực dậy vùng khó khăn

So các địa phương trong tỉnh, hành trình xây dựng NTM của huyện Tri Tôn vất vả hơn bởi xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xem đây là cơ hội để bứt phá phát triển, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, biên giới, huyện nỗ lực xây dựng NTM với quyết tâm cao nhất. Đến nay, có 6/12 xã của huyện Tri Tôn đã được công nhận xã NTM (có 2 xã NTM nâng cao).

Mới đây, tổ công tác Ban Kinh tế Trung ương đã đến khảo sát thực tế tại các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer trên địa bàn xã Núi Tô (huyện Tri Tôn). Các đại biểu ấn tượng trước sự thay đổi lớn trong phum, sóc. Thay cho những con đường “nắng bụi, mưa bùn” trước đây là tuyến đường bê-tông sạch sẽ, thoáng mát, có đèn thắp sáng ban đêm; thay cho những căn nhà xập xệ là những căn nhà kiên cố dần...

Tổ công tác Ban Kinh tế Trung ương thăm hỏi tình hình sản xuất của bà con Khmer huyện Tri Tôn

“Gia đình tôi làm thuê, không đất sản xuất, được Nhà nước hỗ trợ xây dựng căn nhà vững chãi, yên tâm che nắng, che mưa, còn được hỗ trợ đôi bò giống, chúng tôi mừng lắm. Hàng ngày, ngoài thời gian làm thuê, tôi tranh thủ đi cắt cỏ cho bò ăn, lấy công làm lời” - bà Néang Sa Rum (hộ Khmer ấp Tô Thuận, xã Núi Tô) phấn khởi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, Núi Tô là xã có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Huyện đặt mục tiêu xây dựng Núi Tô đạt chuẩn xã NTM năm 2025, tạo động lực xây dựng NTM tại các xã dân tộc khác. “Chương trình NTM và tam nông tạo động lực phát triển rất lớn cho huyện. Từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi theo hướng tích cực; thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư, tạo việc làm và khai thác thế mạnh của huyện; đời sống người dân được nâng lên” - ông Đỗ Minh Trí đánh giá.

Không ngừng nỗ lực

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm gần 80% trong tổng diện tích 353.700ha đất tự nhiên của tỉnh. Với dân số hơn 1,9 triệu người (lớn nhất vùng ĐBSCL), nhưng hơn 68,4% người dân sinh sống ở khu vực nông thôn; đồng bào DTTS chiếm 5,17% (chủ yếu là đồng bào DTTS Khmer và Chăm), việc nỗ lực xây dựng NTM có ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh An Giang Phạm Thái Bình cho biết, khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM (năm 2011), xuất phát điểm của tỉnh rất thấp, trên 90% số xã (108/119 xã) đạt dưới 5 tiêu chí; điều kiện ngân sách và huy động nguồn lực xã hội còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, đến nay toàn tỉnh có 76/110 xã đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 69%), bình quân 17 tiêu chí/xã; 34 xã NTM nâng cao; 2 xã NTM kiểu mẫu; 14 ấp tại các xã biên giới, xã khó khăn đạt chuẩn ấp NTM.

Đối với cấp huyện, TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Thoại Sơn vừa đạt huyện NTM nâng cao. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, có thêm 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đến nay, huyện Chợ Mới đã thực hiện đạt 7/9 tiêu chí, 28/36 chỉ tiêu; huyện Châu Thành đạt 4/9 tiêu chí, 27/36 chỉ tiêu. Riêng TX. Tân Châu xây dựng lộ trình đến cuối năm 2024, phấn đấu 100% xã đạt tiêu chí xã NTM (có 3 xã NTM nâng cao), 100% phường đạt chuẩn văn minh đô thị, sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Qua 13 năm triển khai xây dựng NTM, An Giang đạt nhiều kết quả toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều dấu ấn rõ nét, tạo nên diện mạo vùng NTM khang trang, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp được bảo vệ và tôn tạo; các giá trị văn hóa đặc sắc được bảo tồn phát huy....

 

NGÔ CHUẨN