An Giang tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

06/11/2023 - 22:22

 - Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của DN lớn. Nhưng các DN nhỏ và vừa thường gặp những hạn chế về vốn, công nghệ sản xuất, mặt bằng sản xuất… nên đòi hỏi phải có những chính sách hỗ trợ.

Góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, 97% DN cả nước là DN nhỏ và vừa. DN nhỏ và vừa giải quyết việc làm cho 36% tổng số lao động, thu hút khoảng 32% tổng nguồn vốn, tạo ra doanh thu thuần chiếm khoảng 26% tổng doanh thu thuần của khối DN. DN nhỏ và vừa chiếm một vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 7/2023, An Giang có 8.081 DN nhỏ và vừa đang hoạt động, tạo việc làm cho 25.097 lao động, doanh thu hàng năm đạt 52.932 tỷ đồng. Cộng đồng DN An Giang đang khẳng định vai trò động lực quan trọng để phát triển kinh tế địa phương, sự phát triển của các DN nhỏ và vừa đã tạo việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng của tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 đạt mức 5,08%. Giai đoạn này, tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn ước đạt 22.055 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 98.168 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, thực hiện phương châm đồng hành với DN, An Giang xem cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển DN là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Những năm qua, số lượng DN đăng ký thành lập liên tục tăng. Từ năm 2021 - 2023, số DN đăng ký thành lập mới khoảng 2.429 DN, với tổng vốn đăng ký 24.357 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, số DN còn hoạt động 8.246 DN, với tổng vốn đăng ký 80.429 tỷ đồng.

Họp mặt doanh nhân, doanh nghiệp An Giang

Tuy đạt một số kết quả quan trọng, nhưng việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn chế, chưa đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ. Nhiều nội dung hỗ trợ chủ yếu lồng ghép hoặc hoạt động tuyên truyền là chính. Số DN thành lập còn thấp. Ngành nghề kinh doanh chưa đa dạng, chủ yếu tập trung vào các ngành nghề kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu các DN, tập đoàn lớn tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Để hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, năm 2023, tỉnh dành hơn 37,5 tỷ đồng hỗ trợ công nghệ cho DN nhỏ và vừa đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, cải tiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm; tư vấn các lĩnh vực DN quan tâm; đào tạo nguồn nhân lực cho DN đủ khả năng quản trị kinh doanh trong bối cảnh mới. Nhất là, hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, đây là nội dung được quan tâm và đẩy mạnh thời gian tới. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, nhằm giúp DN tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa, thời gian tới, các sở, ngành tỉnh, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ DN thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quản trị, sản xuất, công nghệ trong DN và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho DN; hỗ trợ tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ; tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của DN; tư vấn chuyển giao công nghệ phù hợp DN.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm, sở sẽ phối hợp các đơn vị, chính quyền địa phương hỗ trợ tư vấn DN nhỏ và vừa về tài chính, kế toán, kiểm toán thông qua mạng lưới tư vấn viên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc về thuế, chế độ kế toán trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN nhỏ và vừa; góp phần giảm chi phí hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nhỏ và vừa.

Đồng thời, tư vấn xây dựng thương hiệu DN, nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý; hệ thống các dấu hiệu nhận diện và xây dựng chiến lược phát triển nhãn hiệu sản phẩm và thương hiệu DN, ưu tiên các thương hiệu, nhãn hiệu gắn với sản phẩm đặc thù, thế mạnh của An Giang.

Tỉnh tăng cường các hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, như: Trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, quản trị kinh doanh cơ bản cho chủ DN nhỏ và vừa, các DN thành lập mới, nhóm cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; trang bị, bổ sung, cập nhật kiến thức về quản trị chiến lược; quản trị nhân sự; quản trị tài chính, chi phí; quản trị sản xuất, công nghệ; bán hàng, thị trường, chuỗi cung ứng; quản trị rủi ro; quản trị hệ thống thông tin nội bộ; các nội dung về chuyển đổi số liên quan đến quản trị DN; đào tạo phát triển các kỹ năng, tâm lý cho người lao động, cán bộ quản lý; các chuyên đề khác liên quan đến quá trình sản xuất - kinh doanh, vận hành DN; đào tạo giám đốc điều hành (CEO); giám đốc sản xuất (CPO)... giúp DN nhỏ và vừa nâng cao năng lực, tăng hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng và tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên… Thông qua các hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhằm thúc đẩy khu vực DN này phát triển, đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng cao trong nền kinh tế của tỉnh.

THU THẢO