An Giang tăng cường nhân sự trẻ cho hợp tác xã nông nghiệp

23/08/2024 - 05:25

 - Với trình độ chuyên môn cùng tinh thần nhiệt huyết, cống hiến vì cộng đồng, những nhân sự trẻ được tỉnh hỗ trợ trả lương về làm việc tại các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn An Giang như thổi làn gió mới vào mô hình kinh tế tập thể. Năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất - kinh doanh tăng lên là kết quả dễ thấy của chủ trương này.

Đánh thức tiềm năng

Từ khi được thành lập, hoạt động của HTX Nông nghiệp Vĩnh Lợi (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) gặp nhiều khó khăn, do vốn góp còn quá ít, thiếu trang thiết bị, văn phòng làm việc, nhân sự quản lý đa phần lớn tuổi, trình độ chuyên môn không cao...

Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) HTX Nông nghiệp Vĩnh Lợi Phan Văn Hoàng cho biết, HTX chủ yếu liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời để hưởng chiết khấu, mỗi năm chỉ được vài chục triệu đồng, chưa đảm bảo chi phí hoạt động.

Hợp tác xã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp

Đầu năm 2024, tỉnh hỗ trợ trả lương, tăng cường nhân sự trẻ Nguyễn Thị Lài về làm Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Lợi. “Từ khi có cô Lài về, hoạt động của HTX chuyển biến theo hướng tốt. Giám đốc trẻ tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo để học hỏi kinh nghiệm, sắp xếp hồ sơ pháp lý của HTX đạt yêu cầu trên 80%, tăng cường mảng kinh doanh, liên hệ hợp tác với các doanh nghiệp (DN).

HTX hiện đang đàm phán với Tập đoàn Tân Long để tiêu thụ lúa thu đông 2024; liên kết với Công ty Thiên Minh cung ứng vật tư đầu vào, thống nhất trình diễn 4 điểm sản xuất hữu cơ để nông dân tham quan, nhân rộng. Mô hình sản xuất hữu cơ giúp giảm được 30% lượng phân, thuốc hóa học, phù hợp tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. HTX đang nỗ lực thu hút thêm thành viên tham gia, tăng vốn góp và liên kết với DN” - ông Phan Văn Hoàng thông tin.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Lợi Nguyễn Thị Lài cho biết, bên cạnh các dịch vụ đang thực hiện, HTX thử nghiệm làm thêm sản phẩm hữu cơ vi sinh, thực hiện mô hình thu mua rau màu của bà con nông dân, chuyển thẳng lên chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ mà không cần qua thương lái.

"Mong muốn của HTX là được hỗ trợ trang thiết bị, trụ sở làm việc, gắn bảng hiệu HTX để tạo niềm tin, thuận lợi đàm phán, làm việc với DN liên kết. Tỉnh cần tăng cường tập huấn chuyên sâu về công tác quản lý, điều hành HTX, thay vì các khóa ngắn hạn như lâu nay” - chị Lài đề nghị.

Phát huy hiệu quả

Từ tháng 9/2023, HTX trái cây GAP Chợ Mới được tỉnh hỗ trợ trả lương, tăng cường nhân sự trẻ Nguyễn Thị Anh Thư về làm Phó Giám đốc HTX. Với chuyên môn cử nhân quản trị kinh doanh, nhân sự trẻ đã đóng góp tích cực cho HTX trong quản lý mã số vùng trồng, xây dựng kế hoạch kinh doanh, liên hệ DN hợp tác tiêu thụ vùng nguyên liệu xoài đạt chuẩn VietGAP...

Tháng 7/2023, tỉnh hỗ trợ trả lương, tăng cường nhân sự trẻ Nguyễn Thị Mỹ Duyên về làm Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Lộc Phát 1 (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn). Với tinh thần nhiệt huyết vì sự phát triển chung, cô gái trẻ góp phần tăng số thành viên từ 37 lên 43 thành viên tham gia HTX, tăng diện tích sản xuất, trang bị được 1 máy drone (máy bay không người lái), tuyên truyền, vận động thành viên ký hợp đồng liên kết tiêu thụ 100ha lúa vụ thu đông 2024 với Tập đoàn Tân Long. “Khó khăn của HTX là thiếu trụ sở hoạt động, đội ngũ nhân sự đa phần lớn tuổi, ngại đổi mới. Mong muốn của tôi là được tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực quản trị, điều hành HTX” - chị Duyên chia sẻ.

Với anh Trần Đức Tam, việc được tỉnh hỗ trợ trả lương, tăng cường về làm Phó Giám đốc HTX GAP Cù Lao Giêng (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) từ tháng 8/2023 là một trải nghiệm quý báu của tuổi trẻ. Anh Tam phụ trách theo dõi thành viên ghi nhật ký điện tử, làm hồ sơ OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đối với sản phẩm xoài da xanh, xoài hạt lép, bánh tráng xoài.

“Tôi được thụ hưởng kiến thức từ các khóa tập huấn nên không gặp khó khăn nhiều. Mong muốn của bản thân là được các chú, bác hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong liên kết, tiêu thụ xoài; được tập huấn chuyên sâu hơn” - anh Tam bộc bạch.

Tăng cường hỗ trợ

Việc triển khai chính sách hỗ trợ trả lương nhân sự trẻ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn An Giang được xem là một trong những đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp. Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh đã bố trí được 32 nhân sự trẻ cho 32 HTX nông nghiệp.

Dù có thời gian ngắn tiếp cận công việc nhưng những nhân sự với trình độ chuyên môn cao, tinh thần nhiệt huyết, đang hỗ trợ tích cực cho các HTX trong công tác quản lý, quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, phát huy được vị trí, vai trò của HTX trong phát triển kinh tế tập thể.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Hiệp cho biết, kế hoạch giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh dự kiến hỗ trợ trả lương, bố trí 60 nhân sự trẻ cho 60 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; mức lương hỗ trợ bằng 1,5 lần lương tối thiểu vùng theo quy định.

“Mục đích việc đưa nhân sự trẻ về các HTX nhằm nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu sang kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và thông minh. Tỉnh ưu tiên hỗ trợ nhân sự trẻ cho các HTX được lựa chọn tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL và các HTX nông nghiệp có phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, hoạt động hiệu quả” - ông Trần Thanh Hiệp thông tin.

Trên cơ sở khảo sát thực tế, làm việc với các HTX, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND tỉnh có điều chỉnh, bổ sung về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân sự trẻ, hỗ trợ theo hình thức đối ứng để HTX trang bị cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, máy móc, thiết bị thực hiện các dịch vụ nông nghiệp... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.

NGÔ CHUẨN