An Giang tăng cường phòng, chống tham nhũng

03/01/2023 - 07:10

 - Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh An Giang thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch. Đặc biệt, công tác xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong giải quyết công việc được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp

Chấp hành pháp luật

Trước đây, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan. Để tăng cường xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng trên, ngày 22/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg.

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức 355 cuộc quán triệt, triển khai chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, trên 41.300 lượt người tham dự. Ngoài ra, tuyên truyền qua cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, hệ thống thư điện tử (mail.angiang.gov.vn), góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân, trước hết là của người đứng đầu đơn vị. Nhờ đó, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hành vi tham nhũng, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc.

Lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng; email của cán bộ, công chức có thẩm quyền, người phát ngôn; địa chỉ nơi tiếp nhận thông tin... để tiếp nhận ý kiến, phản ánh của người dân và DN về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN.

Việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo được Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện bố trí tại nơi thuận tiện; niêm yết công khai nội quy tiếp công dân, lịch tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất của lãnh đạo. Năm 2022, các địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp 5.934 lượt công dân và xử lý 1.896 đơn; trong đó, giải quyết 178/234 đơn khiếu nại, trả lại cho cá nhân số tiền 484 triệu đồng và 448m2 đất.

Song song đó, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức gặp gỡ và nâng cao chất lượng công tác đối thoại với DN, người dân theo hướng thực chất, cầu thị; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân, DN để giải quyết kịp thời, dứt điểm; đề xuất cơ quan thẩm quyền biện pháp xử lý đối với những bất cập trong quy định của pháp luật…

Xây dựng cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua, xác định “cán bộ là gốc của mọi công việc”, việc rà soát, lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực đảm nhiệm vị trí nhạy cảm theo vị trí việc làm được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc. Từ đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN. Cùng với đó, địa phương, đơn vị còn quan tâm, thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng, vừa chuyên”, vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết công việc của người dân và DN.

Tổ kiểm tra công vụ tỉnh, huyện tăng cường kiểm tra công vụ theo kế hoạch và đột xuất, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, thái độ phục vụ, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân và DN trong giải quyết thủ tục hành chính. Qua kiểm tra, Tổ kiểm tra công vụ chưa phát hiện trường hợp vi phạm.

Mặt khác, tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, DN; xử lý ngay người đứng đầu bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân, DN; đảm bảo giải quyết dứt điểm, kịp thời kiến nghị, phản ánh, tố cáo của người dân và DN, tránh tình trạng giải thích không rõ ràng thay vì giải quyết.

Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân, DN trong quá trình giải quyết công việc tại cơ quan nhà nước. Đồng thời, giúp công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

THU THẢO