An Giang tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng

18/11/2019 - 08:12

 - Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xác định là nhiệm vụ then chốt và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Cùng các địa phương trong cả nước, ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XII, An Giang triển khai ngay các nhiệm vụ đã được đặt ra, nhằm đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống. Qua 4 năm cụ thể hóa thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, An Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Kết hợp giữa “xây” và “chống”

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Anh Kiệt, năm 2019 là năm trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. An Giang đang tích cực thực hiện 12 nhiệm vụ tổng quát và 6 nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra, trong đó tập trung công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ... Với quyết tâm, nỗ lực, cùng nhiều cách làm sáng tạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải gắn chặt với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xem đây là “chìa khóa vạn năng”, “cẩm nang” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi đây là “tấm gương” để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa” và hoàn thiện bản thân. Trong quá trình triển khai thực hiện phải kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng với chỉnh đốn, trong đó lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; lấy “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trước mắt.

Để kịp thời chỉnh đốn Đảng, sửa chữa những khuyết điểm, đồng thời giáo dục đạo đức cách mạng, rèn luyện tư cách, lối làm việc cho cán bộ, đảng viên, kế thừa kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng của các nhiệm kỳ trước. Theo đó, với phương châm “lấy xây để chống, lấy chống để xây” nhằm ngăn ngừa vi phạm đối với tổ chức Đảng và đảng viên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, cấp ủy Đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh đã kiểm tra, giám sát 4.713 tổ chức Đảng và trên 133.000 lượt đảng viên. Qua các cuộc kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ cấp ủy đã chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị.

Phát huy vai trò “nêu gương”

Nhận thức rõ vai trò của việc “nêu gương” của người cán bộ, đảng viên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định nội dung đột phá trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng của tỉnh chính là sự “nêu gương” của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao gắn với xây dựng và thực hiện nghiêm các quy định, quy chế làm việc (trong đó xác định rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu). Song song đó, phải đổi mới phương thức, phong cách, tác phong công tác và nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo; chọn việc trọng tâm, nổi cộm, bức xúc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Như Bác Hồ đã từng nói: “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, khi cán bộ, đảng viên gương mẫu trong lời nói, hành động, “nói đi đôi với làm”, nhất là cán bộ, lãnh đạo quản lý sẽ có sức lan tỏa rộng lớn và tạo động lực, “sức hút” mạnh mẽ để lôi cuốn quần chúng học tập, noi theo, làm theo. Theo đồng chí Mari Dam (Phó Bí thư Đảng ủy xã Châu Phong, TX. Tân Châu): “Qua thực hiện nội dung “nêu gương”, phong cách, tác phong của cán bộ, đảng viên có sự chuyển biến tích cực, nhất là trong mối quan hệ với nhân dân, tinh thần trách nhiệm trong công việc quyết liệt hơn. Nhờ đó, sau 9 năm triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về xây dựng nông thôn mới (NTM), với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo trong xã, cuối tháng 9-2019, xã Châu Phong đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM”.

Ông Nguyễn Văn On (ngụ ấp Vĩnh Tường 2, xã Châu Phong, TX. Tân Châu) cho biết: “Đạt chuẩn xã NTM là niềm vui của mỗi người dân. Đạt được kết quả trên không thể không nói đến vai trò gương mẫu của người đứng đầu, sự tiên phong của cán bộ, đảng viên trong việc tuyên truyền, vận động, sâu sát với người dân. Nhờ vậy, khi cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vận động là bà con “hết mình”, góp công, góp của để xây dựng NTM, phát triển kinh tế - xã hội; quan trọng nhất là cán bộ phải gần dân, sát dân, hiểu dân và làm dân tin, dân yêu, dân đồng thuận thì ắt sẽ thành công”.

Nhìn chung, qua thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu đã được phát huy, có nhiều nỗ lực, phấn đấu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Nhờ đó, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển rõ nét qua từng năm, GRDP năm sau cao hơn năm trước (năm 2016 tăng 4,47%; năm 2017 tăng 4,5%; năm 2018 tăng 6,52%). Đặc biệt, 9 tháng của năm 2019, GRDP của tỉnh tăng 6,4% so cùng kỳ năm trước. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, GRDP bình quân đầu người (2016-2018) khoảng 37,12 triệu đồng. Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, An Giang là 1 trong 2 tỉnh trong khu vực và tỉnh đầu tiên vùng ĐBSCL có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Toàn tỉnh hiện có 54 xã NTM, không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí. Đáng chú ý là nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh được nâng lên, luôn vững niềm tin vào sự lãnh đạo vào cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần quan trọng vào sự thống nhất ý chí, hành động, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.

THU THẢO

 

Liên kết hữu ích