An Giang tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển

10/06/2022 - 05:45

Để hỗ trợ hợp tác xã (HTX) phát triển, An Giang đẩy mạnh thu hút đầu tư, vận động doanh nghiệp (DN) xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tham gia thành lập HTX; củng cố, nâng chất tổ hợp tác (THT) để chuyển đổi thành HTX. Tỉnh còn tạo điều kiện thuận lợi về tổ chức sản xuất, tiêu thụ, phát triển nguồn nhân lực, giúp HTX tiếp cận khoa học - công nghệ mới…

Chú trọng đầu ra

Xác định kinh tế hợp tác là điều kiện quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, UBND tỉnh đã có Quyết định 2881/QĐ-UBND, ngày 3/12/2021 về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025. Ngay trong năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ký ban hành kế hoạch thực hiện với những chỉ tiêu cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng.

Một trong những vấn đề của nông nghiệp hiện nay là đầu ra sản phẩm ổn định. UBND tỉnh giao Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh, trong đó tập trung hỗ trợ kết nối cung - cầu theo chuỗi giá trị nông sản giữa bên sản xuất (HTX, THT, DN liên kết) với bên tiêu thụ có hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi) tại các thành phố lớn trong cả nước, đặc biệt là thị trường TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội; tăng cường công tác hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử…

Đối với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng “hệ sinh thái cửa hàng tiện lợi” và phát triển trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại TP. Long Xuyên làm điểm để thu hút khách tham quan và quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các HTX, DN tham gia các hội chợ triển lãm, diễn đàn quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) mang tầm quốc gia, quốc tế, như: Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, hội chợ biên giới, hội chợ OCOP… trong đó các DN là các nhà tài trợ chính trong xây dựng thương hiệu nông sản.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan tăng cường tham vấn cho các DN, HTX, THT chuyển đổi nhận thức, tư duy mới nhằm đa dạng hóa, đa phương hóa trong hoạt xúc tiến thương mại; trong đó, chú trọng quảng bá sản phẩm chủ lực từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến, hỗ trợ các đơn vị tổ chức sản xuất trong chuỗi giá trị mở tài khoản trên sàn giao dịch thương mại điện tử để phù hợp với điều kiện dịch bệnh COVID-19…

Thu hút đầu tư

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Tài chính triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nông dân, thương lái tại địa phương tham gia đầu tư, góp vốn vào HTX để cùng sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, tăng cường quảng bá, thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, hệ thống logistics kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối, hệ thống bán lẻ để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương.

An Giang tạo lập môi trường cạnh tranh thuận lợi và bình đẳng cho tất cả các DN nói riêng và các thành phần kinh tế khác nói chung đầu tư xây dựng dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp; điều chỉnh các vấn đề bất cập trong ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN được hưởng chính sách khuyến khích DN đầu tư nông nghiệp, nông thôn (theo quy định tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày, 17/4/2018 của Chính phủ). Qua đó, thu hút ngày càng nhiều DN đến đầu tư tại An Giang.

Năm 2022 và những năm tiếp theo, tỉnh tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, điều hành HTX, THT có đủ trình độ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, chủ động tìm kiếm và kết nối thị trường nông sản. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước và đoàn thể các cấp về kinh tế tập thể, HTX, để có đủ khả năng trực tiếp tuyên truyền cũng như hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, THT hoạt động hiệu quả.

Để thực hiện tốt nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư giao Sở NN&PTNT chủ trì, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Nghị quyết “Ban hành quy định mức chi hỗ trợ đào tạo thành viên HTX nông nghiệp và mức chi hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang” theo quy định tại Thông tư 124/2021/TT-BTC, ngày 30/12/2021 của Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 1700/QĐ-UBND của UBND tỉnh trong quý III/2022.

Tỉnh An Giang tăng cường hỗ trợ các HTX, THT, DN xây dựng, vận hành, duy trì và phát triển website quảng bá sản phẩm chủ lực, quản lý cơ sở dữ liệu và thông tin giá cả, thị trường nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, khoa học - công nghệ vào quá trình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

NGÔ CHUẨN