An Giang tạo thuận lợi liên kết tiêu thụ nông sản vụ hè thu 2023

30/06/2023 - 06:58

 - Lĩnh vực trồng trọt của An Giang được đánh giá có nhiều thuận lợi, khả năng giá trị sản xuất (GO) năm 2023 sẽ tăng thêm 650 tỷ đồng như kế hoạch đề ra. Trước mắt, tỉnh và các địa phương tập trung mời gọi, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), thương lái liên kết tiêu thụ hết sản lượng lúa, rau màu, trái cây trong vụ hè thu 2023.

Điểm sáng tăng trưởng

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, dựa trên tiến độ sản xuất và thu hoạch một số loại cây trồng chủ lực, ước 6 tháng đầu năm 2023, GO ngành trồng trọt tăng 451 tỷ đồng. Dự kiến quý III, GO khả năng tăng 246 tỷ đồng (cây ăn trái tăng 70 tỷ đồng; nếp và lúa chất lượng cao tăng 3.000ha, GO tăng 51 tỷ đồng; lúa hè thu tăng 90 tỷ đồng; rau màu tăng 35 tỷ đồng). Quý IV/2023, GO dự kiến tăng 92 tỷ đồng (cây ăn trái tăng 70 tỷ đồng; nếp và lúa chất lượng cao tăng 51 tỷ đồng; lúa thu đông giảm 81 tỷ đồng, do xả lũ, giảm diện tích; rau màu tăng 52 tỷ đồng).

Tiêu thụ dưa hấu

Đối với cây lúa vụ hè thu 2023, đến nay toàn tỉnh xuống giống dứt điểm 228.750ha, thấp hơn 176ha so kế hoạch do chuyển sang cây ăn trái và rau màu tại huyện Châu Thành, Chợ Mới và TP. Long Xuyên. Lúa đang phát triển giai đoạn mạ 767ha, đẻ nhánh 46.035ha, làm đòng 140.843ha, trổ 28.073ha và chín 11.702ha.

Qua thu hoạch 1.331ha tại huyện Tri Tôn, năng suất đầu vụ đạt 5,59 tấn/ha (tương đương cùng kỳ). Về cơ cấu, 5 giống chủ lực là: OM5451 chiếm 38,1% diện tích xuống giống, OM18 chiếm 29,6%, nếp chiếm 11%, IR50404 chiếm 7,7%, Đài Thơm 8 chiếm 5,7% diện tích xuống giống; các giống khác chiếm 8,01%.

Nhìn chung, giống lúa chất lượng cao chiếm 81,3% diện tích gieo trồng hầu hết 11 huyện, thị xã, thành phố; giống lúa thơm đặc sản (nếp) chiếm 11%, tập trung ở các huyện Phú Tân, Châu Thành, Tri Tôn; giống lúa chất lượng trung bình (IR50404) chiếm 7,7%, gieo trồng tại các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn và TX. Tịnh Biên.

Đối với rau màu, kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2023 là 18.810ha, năng suất bình quân 21 - 22 tấn/ha, ước sản lượng 395.010 tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống 15.972ha, đạt 84,92% kế hoạch, tiến độ tương đương cùng kỳ năm 2022, gồm: Các loại bắp, bầu, bí, dưa hấu, đậu phộng, khoai cao, bắp thu trái non, rau ăn lá và rau dưa các loại.

Đến nay, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt 19.545ha (chiếm 91,28% tổng diện tích cây lâu năm), tăng 786ha so cùng kỳ 2022. Trong đó, diện tích đang cho trái khoảng 16.200ha, tăng 1.194ha; tổng sản lượng cây ăn trái cả năm ước đạt 266.057 tấn, chủ lực xoài 12.633ha, chuối 987ha, nhãn 495ha, mít 1.683ha, cây có múi 1.583ha (bưởi 514ha, cam 295ha, quýt 185ha, chanh 569ha).

Hỗ trợ tiêu thụ

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, có 14 DN và công ty giống có kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ với diện tích 145.540ha, chiếm 63,58% diện tích xuống giống. Các DN đang triển khai ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ nông dân với diện tích 32.725ha, đạt 22,18% kế hoạch.

Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký kết diện tích 25.303ha, đạt 23% kế hoạch (110.000ha); Công ty TNHH Angimex Kitoku 107ha, đạt 76,43%; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) 300ha, đạt 1,76%; Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương 200ha, đạt 40%; Công ty Cổ phần Dịch vụ nông nghiệp Quốc Tế Gia 500ha, đạt 5% kế hoạch… Các DN đang tiếp tục thỏa thuận với nông dân ký hợp đồng liên kết vụ lúa hè thu và chuẩn bị cho vụ thu đông 2023.

Đối với rau màu, các DN có kế hoạch liên kết và tiêu thụ vụ hè thu 2.765ha, đạt 14,7% diện tích xuống giống. Cụ thể, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) liên kết 2.150ha (bắp thu trái non và đậu nành rau), Công ty Kim Nhung 500ha (rau muống lấy hạt)...

Đến nay, diện tích triển khai ký hợp đồng bao tiêu rau màu vụ hè thu được 1.481,1ha, đạt 54% kế hoạch. Trong đó, Antesco triển khai 1.427,8ha; Công ty TNHH Nam Phương 30ha (ngò gai) tại huyện Chợ Mới; Công ty TNHH Farm Story 10ha (sen lấy hạt) tại TP. Châu Đốc… Các DN còn lại cũng đang triển khai ký hợp đồng thu mua rau màu cho nông dân. “Diện tích còn lại chưa được liên kết, sẽ tiếp tục mời gọi và gắn kết thêm với DN, thương lái liên kết tiêu thụ” - ông Hiền thông tin.

Đối với cây ăn trái, có 8 DN có kế hoạch liên kết và tiêu thụ 2.180ha, đạt 16,4% diện tích đang cho trái. Các DN đang triển khai ký hợp đồng liên kết và tiêu thụ xoài được 1.648ha, gồm: Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan 350ha; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu 140ha (xoài thái) tại TP. Châu Đốc; Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp 200ha (huyện Chợ Mới 100ha, huyện An Phú 100ha); Công ty Antesco 500ha (xoài keo tại huyện An Phú); Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời 200ha (xoài cát Hòa Lộc vỏ dày); Công ty TNHH TMDV Ánh Dương Sao 31,3ha…

Với diện tích cây ăn trái còn lại, được các vựa, lái thu gom và cung cấp trực tiếp lại cho DN theo thỏa thuận cam kết. Ngoài ra, còn cung cấp cho siêu thị Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Winmart, Mega Market Long Xuyên...

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, để phát triển bền vững cây ăn trái, cần tập trung củng cố lại các hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối liên kết tiêu thụ, chủ động trong việc tìm kiếm và kết nối DN liên kết phù hợp với năng lực sản xuất, giải quyết đầu ra cho nhóm cây ăn trái trong mùa thu hoạch rộ. “Ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật tiếp tục hỗ trợ các nhà vườn quản lý sâu bệnh, ứng dụng các giải pháp tiến bộ trong sản xuất để tạo ra sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng cao, tăng thời gian bảo quản.

Đồng thời, đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng trên cây ăn trái, đảm bảo đủ điều kiện cung ứng sản phẩm cho các thị trường trong và ngoài nước” - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền nhấn mạnh.

HOÀNG XUÂN